Theo đó, khoảng 4 giờ ngày 1/5, lực lượng chức năng đã cơ bản khống chế vụ cháy rừng tại huyện Thanh Chương, Nam Đàn (Nghệ An). Tuy nhiên, đến 6 giờ cùng ngày, đám cháy bất ngờ bùng phát trở lại. UBND huyện Nam Đàn, huyện Thanh Chương đã huy động hàng trăm người gồm các lực lượng: Quân sự, Công an, Kiểm lâm, công chức xã, Đội cơ động số 1 dùng mọi biện pháp để dập lửa. Các đơn vị thuộc Quân khu 4 đóng quân trên địa bàn cũng huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy.
Ông Phùng Thanh Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ cháy, các đơn vị đã huy động hơn 700 người nhanh chóng ứng cứu. Do rừng thông và keo có nhiều thảm thực vật, lá thông khô và thời tiết nắng nóng, gió Tây Nam thổi mạnh nên lửa nhanh chóng lan rộng. Hiện nay, vụ cháy đã cơ bản được khống chế, thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 8,5ha rừng, trong đó 1,5ha rừng thông keo, còn lại là rừng hỗn giao. Trên địa bàn thời tiết hiện không còn nắng nóng gay gắt, tuy nhiên để đảm bảo cháy rừng không bùng phát trở lại, chính quyền địa phương tiếp tục cử người túc trực, sẵn sàng xử lý nếu có tình huống bất ngờ xảy ra.
Những ngày qua, ở Nghệ An xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt, nền nhiệt cao, nhiệt độ có nơi trên mức 41 độ C. Nắng nóng và nền nhiệt cao được dự báo có xu hướng gia tăng khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An là rất lớn.
Ngày 26/4, Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025 đưa ra cảnh báo cháy rừng trên các khu vực rừng từ ngày 27/4 đến ngày 2/5 từ cấp III (cấp cao) đến cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Ngay sau công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan thực hiện cấp bách nhiều các biện pháp. Chủ tịch UBND nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra cháy rừng trên diện rộng và gây thiệt hại lớn trên địa bàn quản lý.
Theo Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Nghệ An, hiện tỉnh có 15.000 ha rừng trồng thông nhựa, khoảng 720 ha rừng hỗn giao bạch đàn (là loài cây có tinh dầu, dễ cháy, khả năng bắt lửa rất nhanh) tập trung tại các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai đang có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Ngoài ra, còn có hơn 42.000 ha rừng tre nứa và hơn 174.000 ha rừng hỗn giao gỗ - tre nứa tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu và Quỳ Hợp, nằm giáp ranh với diện tích sản xuất nương rẫy, phát xử lý thực bì trồng rừng, đốt đồng cỏ chăn nuôi của đồng bào các dân tộc thiểu số.