Giữa biển đảo Tổ quốc, nghe những ca từ “Không xa đâu Trường Sa ơi, vẫn gần bên em Trường Sa luôn bên anh” như thấm vào gan ruột. “Gần lắm Trường Sa” không chỉ là ca khúc gắn liền với cuộc sống chiến đấu kiên trung của lính đảo, mà còn như bản tình ca hiệu triệu các chiến sĩ hải quân thêm vững vàng tay súng canh trời giữ biển của Tổ quốc giữa đại dương bao la.
Khúc ca bất tử
Có thể nói trong nhiều ca khúc viết về Trường Sa của nhiều nhạc sĩ, “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Hình Phước Long vẫn là khúc ca hay nhất hát về biển đảo, đưa Trường Sa xa xôi gần gũi với đất liền.
Nhạc sĩ Hình Phước Long. Ảnh: Tư liệu |
Sau giải phóng 1975, Trường Sa được nhân dân Việt Nam và bầu bạn thế giới biết đến không chỉ tinh thần chiến đấu anh dũng ngoan cường của các chiến sĩ, mà còn biết đến một Trường Sa bởi vẻ đẹp lấp lánh về tình biển đảo, tình đồng đội thiêng liêng; tình quân dân thắm thiết và tình người sâu nặng qua lăng kính và thính giác “Gần lắm Trường Sa”.
Chính khúc ca “Gần lắm Trường Sa” đã chuyển tải tình cảm ấy bởi những ca từ độc đáo với giọng hát vút cao sâu lắng ân tình của ca sĩ. “Gần lắm Trường Sa” đã trở thành người bạn tinh thần của các chiến sĩ hải quân ở nơi đầu sóng ngọn gió, trở thành khúc ca hay nhất hát về Trường Sa mà chưa có ca khúc nào vượt được.
Dù chưa một lần đến Trường Sa nhưng chỉ nghe những ca từ “Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ, bên đồng đội thân yêu chỉ có loài chim biển” cũng đủ để cảm nhận về sự hi sinh kiên cường và kiêu hãnh vô cùng của các chiến sĩ nơi ấy. Khi đứng gác trong gió gào sương lạnh, khi đối mặt với gian khổ hiểm nguy, khi giáp mặt với quân thù, cả khi cận kề cái chết, chỉ cần nghe những ca từ giản dị “Đôi mắt biên cương vẫn sáng long lanh giữa sóng cuồng bão dựt, đảo quê hương, anh vẫn đêm ngày giữ biển khơi, thương nhớ sao vơi người chiến sĩ Trường Sa ơi”, tự trong huyết quản của mình dâng tràn dòng máu nóng, Tổ quốc hiện diện mãnh liệt trong tim, bản lĩnh kiên trung hơn, súng chắc trong tay canh biển trời Tổ quốc. Trên khắp mọi nẻo đường, trong gian lao vất vả, lúc khó khăn hoạn nạn, giữa vinh quang huy hoàng, “Gần lắm Trường Sa” luôn âm vang trong trái tim người lính.
Nhạc sĩ của Trường Sa
Nhạc sĩ Hình Phước Long có 15 ca khúc viết về biển, đảo, trong đó “Gần lắm Trường Sa” là khúc ca nổi tiếng và thành công nhất. Đến thời điểm này, chưa có nhạc sĩ nào có nhiều bài hát về biển, đảo vượt qua Hình Phước Long, ông đã trở thành nhạc sĩ riêng của bộ đội hải quân Trường Sa.
Ca sĩ Thanh Thúy hát ca khúc “Gần lắm Trường Sa” ở đảo Sơn Ca. Ảnh: Mai Thắng |
Hình Phước Long sinh ngày 7/9/1950 tại xã Ninh Hà (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa). Cuộc đời ông gắn với biển Nha Trang. Thời trai trẻ, ông luôn ước ao sáng tác ca khúc viết riêng cho Trường Sa nhưng ông nhiều lần buông bút, cả khi nhiều lần ông đứng trước biển Nha Trang hình dung về Trường Sa có những người hải lính cầm súng canh đảo với đàn hải âu chao nghiêng trên sóng vỗ. Câu chuyện về sự ra đời của ca khúc “Gần lắm Trường Sa” được kể lại: Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi ông công tác ở Phòng Văn hóa - Thể thao huyện Cam Ranh (Khánh Hòa) và được bộ đội Lữ đoàn 146 Hải quân mời đến nghe kể chuyện về đời sống, tâm tư lính đảo Trường Sa, rồi được xem phim tài liệu "Tổ quốc nơi đầu sóng", khi ấy tâm tình người nhạc sĩ mới thực sự thức dậy với cảm xúc dâng trào về biển đảo. Trong cuốn nhật ký ghi lưu bút của nhạc sĩ Hình Phước Long ở Lữ đoàn 146 Hải quân có đoạn: “Kỳ vĩ và lãng mạn. Sóng nước mênh mang, chim hải âu bay rợp trời, hình ảnh kiên cường của đảo và giây phút bâng khuâng khi người lính trẻ nhớ về đất liền, bao tình cảm dạt dào chỉ biết bày tỏ qua những cánh thư. Sẽ có một bài hát về Trường Sa”.
Sau buổi nghe kể chuyện biển đảo ấy, ông thầm hứa với lòng mình, sẽ viết một ca khúc tặng bộ đội Trường Sa như một lời tri ân với sự hy sinh của các chiến sĩ, nhưng cách đặt ca khúc tên gì, mở đầu bằng ca từ nào thì vẫn là một dấu hỏi. Năm 1982, trong dịp tập huấn sáng tác ở Nha Trang, một chiều ông đạp xe dạo dọc đường Trần Phú ven biển, giữa những cơn gió biển đang mơn man, lùa vào cơ thể mình, bất chợt nhìn thấy một nữ sinh vận áo dài trắng phấp phới tóc thề vẻ cô đơn tư lự nhìn xa xăm ra biển. Nhạc sĩ thầm nghĩ, nếu có người yêu ở Trường Sa, em có nghe lời tâm tình theo sóng biển vọng về? Cảm xúc dâng trào, ông lấy giấy bút viết lời ca ngay trên bãi biển trong vòng 1 tiếng đồng hồ, sau đó ông trở về ngôi nhà nhỏ ở thị trấn Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa) phổ nốt nhạc đầu tiên. Vừa hát, vừa phổ nhạc, vừa hình dung về Trường Sa. Những ca từ như thấm vào gan ruột: "Mỗi cánh thư về từ đảo xa/Anh thường nói rằng Trường Sa lắm xa xôi/Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ/Bên đồng đội yêu thương/ Chỉ có loài chim biển/Sóng vỗ điệp trùng quanh gành trúc san hô/Trường Sa ơi!/Biển đảo quê hương/Đôi mắt biên cương vẫn sáng long lanh giữa sóng cuồng bão giật/Không xa đâu Trường Sa ơi!/Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em/Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh". Người đầu tiên thể hiện ca khúc là ca sĩ Anh Đào, và đây cũng là cô ca sĩ hát thành công nhất ca khúc “Gần lắm Trường Sa”. Nhạc sĩ Hình Phước Long xác nhận: Dù bài hát được nhiều thế hệ ca sĩ thể hiện, nhưng không ai hát thành công như Anh Đào. Năm 1983, ông viết thêm ca khúc Gặp anh trên đảo Sinh Tồn, tham dự cuộc thi sáng tác do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức và đoạt giải Nhì (không có giải Nhất).
Một năm sau khi “Gần lắm Trường Sa” ra đời, ông được ra thăm quần đảo Trường Sa: “Dẫu chưa đặt chân tới nhưng những gì mình cảm nhận và viết về nơi này đều rất chân thực. Khi biết mình, anh em bộ đội đứng chờ trước đó rất lâu. Mình vừa xuống tàu thì họ túa đến vây xung quanh, ôm chầm thân thiết như người quen lâu ngày gặp lại. Quá xúc động, trong khi còn chếnh choáng vì say sóng nhưng anh em bộ đội yêu cầu, mình đã cầm đàn ghita đứng hát giữa đảo. Khi ấy, mình và nhiều anh em bộ đội đã khóc”, nhạc sĩ Hình Phước Long tâm sự.
Mai Thắng