Kiểm soát cà khí thải xe máy

Khí thải từ phương tiện cá nhân đang khiến cho mức độ ô nhiễm không khí tại các đô thị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ngày càng nghiêm trọng.

Nhiều phương tiện “hết đát” không đăng kiểm, bảo dưỡng, ngang nhiên tham gia giao thông càng làm tăng lượng phát thải ra môi trường, với mức độ độc hại lớn. Thực tế này nếu không sớm được kiểm soát, môi trường sẽ đối mặt với nhiều hệ lụy.

Báo động ô nhiễm khí thải phương tiện

Vào giờ cao điểm, tại các ngã tư, nút giao thông lớn, hàng nghìn phương tiện nổ máy khiến cho không khí tại các khu vực này luôn ngột ngạt, bức bối. Khẩu trang giờ trở thành vật bất ly thân giống như mũ bảo hiểm của hầu hết người dân tại các quận nội đô Hà Nội, vì thiếu khẩu trang thì không chịu nổi hơi xăng, khói bụi, khí phát thải từ nhiều loại phương tiện, nhất là mỗi khi giao thông ùn tắc phải đi sau xe buýt, xe khách, xe tải…

Khẩu trang trở thành vật cứu cánh cho người dân dễ thở. Ảnh: Tiến Hiếu

Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), 70 - 80% ô nhiễm không khí đô thị là do các hoạt động giao thông vận tải, công nghiệp, còn lại nguyên nhân sinh hoạt chỉ chiếm 10 - 30%. Tại hai khu vực ô nhiễm nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chỉ số ô nhiễm không khí lúc nào cũng ở mức 152 - 156, còn vào giờ cao điểm phải lên tới gần 200.

Một tính toán khác tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, xe máy chiếm 95% về số lượng, chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra 94% Hyđrô cácbon (HC); 87% cácbon ôxit (CO); 57% ôxit Nitơ (Nox)... trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Và xe máy đang là một trong các tác nhân chính thải ra phần lớn các chất gây ô nhiễm.

Hình ảnh các loại phương tiện đã quá cũ kỹ và hết hạn sử dụng, vẫn được người dân sử dụng làm xe để chở hàng hóa, những chiếc ba gác, xe tự chế hay những chiếc xe máy không có biển số, trơ cả khung xe và động cơ nhưng vẫn ngang nhiên lưu thông trên đường, phả khói đen sì, mặc kệ người đi sau bịt mồm, bịt mũi khó thở... không khó để phát hiện trên nhiều tuyến đường “vật liệu xây dựng” như: Đê La Thành, Trần Quang Khải, Cát Linh, Tam Trinh… (Hà Nội). Đa phần người tham gia giao thông khi gặp những phương tiện loại này thường phải nhường đường, để tránh “rước họa vào thân”.

Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường của Mỹ, chỉ số biểu thị ô nhiễm không khí (PSI - Ngưỡng an toàn và nguy hiểm đối với sức khỏe của người) thu được khi tính tới tổng các hạt lơ lửng, SO2, CO, O3, NO2 được tính theo mg/m3/giờ hoặc trong 1 ngày. Chỉ số PSI từ 0 - 49 là không khí có chất lượng tốt; từ 50 - 100 là trung bình, không ảnh hưởng tới sức khỏe; từ 100 - 199 là không tốt; từ 200 - 299 là rất không tốt; từ 300 - 399 là nguy hiểm, gây phát sinh bệnh; trên 400 là rất nguy hiểm, có thể gây chết người.

Nhiều chuyên gia giao thông cho hay, khi các phương tiện sử dụng nhiên liệu để vận hành, động cơ sẽ phát thải một lượng lớn các chất khí có thành phần độc hại gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Nếu các phương tiện vận hành bình thường, lượng khí phát thải ra môi trường sẽ ổn định theo mức độ cho phép, nhưng khi người điều khiển phương tiện thường xuyên tăng ga hay khởi động lại máy thì lượng khí phát thải ra môi trường sẽ tăng lên. Xe càng cũ, lượng phát thải càng lớn. Đó là lý do tại các nút giao thông, hàm lượng không khí ô nhiễm cao hơn so với các khu vực khác.

Theo Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Hữu Trí, quy định về niên hạn sử dụng hiện chỉ có quy định đối với ô tô tải và ô tô chở khách, mà chưa có quy định đối với xe cá nhân, xe con dưới 10 chỗ ngồi, xe 4 chỗ ngồi và xe máy chưa có quy định. Trong khi đó, tại một số quốc gia có số lượng phương tiện xe máy tham gia giao thông lớn đều đã thực hiện việc kiểm soát khí thải gây ô nhiễm môi trường. Điển hình như tại Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia… các đại lý xe máy sẽ thực hiện kiểm tra định kỳ phương tiện, những xe đạt tiêu chuẩn về lượng khí thải sẽ được dán tem và lực lượng chức năng căn cứ vào đó để thực hiện hoạt động kiểm tra, kiểm soát.

Từ năm 2013, Bộ GTVT đã xây dựng Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về chủ trương. Tuy nhiên, để đề án chính thức đưa vào triển khai thực hiện vẫn đang chờ một lộ trình chính thức. Điều này đồng nghĩa với vấn đề kiểm soát lượng khí phát thải hàng ngày từ hàng chục triệu xe gắn máy vẫn đang là mối nguy hại đối với môi trường.

Khởi động kiểm soát khí thải xe máy

Trước thực tế trên, trong kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ GTVT và Bộ TN&MT thời gian gần đây luôn chú trọng triển khai các giải pháp kiểm soát, giảm khí phát thải từ các phương tiện cơ giới, như: Phát triển vận tải hành khách công cộng tại các đô thị, hạn chế phát triển phương tiện cá nhân; tái cơ cấu lĩnh vực vận tải, chuyển vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy, đường sắt là các phương tiện tiết kiệm nhiên liệu, ít phát khí thải hơn; ưu tiên sử dụng các nhiên liệu sinh học… trong đó, việc kiểm định khí thải đối với xe máy, tiến tới lộ trình giảm phương tiện cá nhân... đang là giải pháp căn cơ để kiểm soát phát thải từ phương tiện cơ giới.

Để cụ thể hóa, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã trình Bộ GTVT Đề án kiểm soát khí thải xe máy bắt đầu thực hiện từ năm 2018. Thống kê của Cục CSGT, đến hết năm 2015, cả nước có 49 triệu xe cơ giới được đăng ký, trong đó xe máy chiếm 95% (tương đương 46,5 triệu chiếc). Chỉ tính riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có khoảng 14 triệu xe máy đang lưu thông. Trong khi đó, loại phương tiện này không cần phải qua các cơ quan kiểm định trong quá trình lưu hành, nên không xác định được số lượng xe đã quá niên hạn hoặc có niên hạn sử dụng lâu, dễ gây phát thải khí lớn. Vì vậy, việc kiểm soát khí thải phương tiện này là rất cần thiết.

Lộ trình kiểm soát khí thải đối với xe máy được đề xuất 3 phương án: Thực hiện từ ngày 1/7/2018 sẽ kiểm tra khí thải đối với xe có dung tích xi lanh từ 175cm3 trở lên; chia đối tượng kiểm tra khí thải theo tuổi sử dụng xe, đối với xe cũ trên 15 năm sử dụng (từ 1/7/2020, khoảng 6 triệu xe), xe có niên hạn 10 năm (từ 1/7/2022, khoảng 4 triệu xe), 5 năm (từ 1/7/2025, khoảng 12 triệu xe); hoặc từ ngày 1/7/2020 kiểm tra với xe có dung tích từ 130 cm3 trở lên, từ 1/7/2022 đối với xe có dung tích từ 105 cm3 trở lên, từ 1/7/2025 đối với tất cả xe máy thuộc đối tượng quy định.

Theo đó, 5 thành phố có số lượng, mật độ xe máy lớn, mức độ ô nhiễm không khí cao là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ sẽ khởi động chiến dịch kiểm định khí thải xe máy từ năm 2018 -2020, sau đó sẽ triển khai đồng loạt trên cả nước.

Ô nhiễm khí phát thải từ xe cơ giới đang là thực trạng đáng báo động, đe dọa chất lượng cuộc sống người dân tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc của các ngành chức năng, các cơ quan quản lý trong việc kiểm soát và khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, phương tiện sử dụng nguyên liệu sạch. Ngoài ra, cũng cần có những chế tài xử phạt đối với những phương tiện vi phạm quy định về lượng khí phát thải. Mỗi người hãy xây dựng thói quen bảo dưỡng định kỳ đối với phương tiện cá nhân, vừa đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, vừa có ý nghĩa lớn đối với bảo vệ môi trường.

Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT) Chu Mạnh Hùng: Tăng cường tuyên truyền 

Các địa phương cần tăng cường vận động tuyên truyền người dân kiểm soát khí phát thải phương tiện cá nhân tại các vùng lõi đô thị mà mật độ ô nhiễm cao theo kết quả công bố quan trắc của Tổng cục Môi trường. Điều này sẽ tạo điều kiện để người dân đồng cảm và chia sẻ với cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, các lực lượng chuyên ngành cũng phải thực hiện chế tài xử lý nghiêm việc kiểm tra định kỳ phương tiện. Việc kiểm soát khí phát thải muốn hiệu quả phải kết hợp đồng bộ giữa nhà quản lý - cơ quan truyền thông.

Thạc sỹ Đỗ Khắc Sơn, Giảng viên bộ môn Cơ khí ô tô (Trường Đại học GTVT Hà Nội): Kiểm định phương tiện định kỳ 

Ngoài vấn đề chất lượng phương tiện và nhiên liệu, thì hoạt động bảo dưỡng định kỳ phương tiện cũng ảnh hưởng tới lượng khí phát thải ra môi trường. Hầu hết những loại xe ô tô cũ và xe máy hiện đều không có bộ kiểm soát khí thải ra môi trường. Trong khi đó, nhiều người tham gia giao thông tại Việt Nam còn chưa có thói quen bảo dưỡng phương tiện định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Khi phương tiện được bảo dưỡng định kỳ sẽ giúp động cơ hoạt động tốt hơn, lượng nhiên liệu tiêu hao ít hơn nên lượng khí thải xe ra môi trường cũng ít hơn. Mặt khác, nó còn giúp kết cấu phương tiện tốt hơn, an toàn hơn trong khi lưu hành.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) Hoàng Dương Tùng: Ùn tắc gây ô nhiễm gấp 3 - 5 lần 

Hiện nay tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ... tình trạng ô nhiễm không khí là khá cao. Đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn rất nặng, Hà Nội là một trong 10 thành phố trên thế giới ô nhiễm nhất về bụi. Đây là loại ô nhiễm rất đáng lo ngại. Nếu như với ô nhiễm bụi đường bình thường thì dùng khẩu trang có thể ngăn chặn được, còn với ô nhiễm bụi mịn thì khẩu trang cũng vô ích, bụi chui vào phổi sâu, gây các bệnh về hô hấp, thậm chí ung thư.

Để kiểm soát ô nhiễm không khí tại các đô thị, cần thực hiện kiểm soát nguồn thải từ ô tô, xe máy, tiến hành kiểm định khí thải đối với ô tô, xe máy. Thực hiện hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển phương tiện giao thông công cộng.

Cùng với đó, cần có quy hoạch lại thành phố, giảm các điểm ùn tắc giao thông. Bởi theo tính toán, ùn tắc giao thông đô thị gây ô nhiễm gấp 3-5 lần so với không tắc nghẽn. Cùng với đó, cần tăng cường ý thức của người tham gia giao thông, nhiều người có thói quen sử dụng phương tiện trong một thời gian dài mà không có sự chăm sóc, sửa chữa. Nhiều người ý thức chưa cao gây ùn tắc giao thông cũng là yếu tố đáng kể làm nghiêm trọng hơn tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.



Đăng Sơn - Thu Trang
Kiểm soát khí thải của ô tô, xe máy
Kiểm soát khí thải của ô tô, xe máy

Bộ Công Thương vừa chính thức công bố về tình hình triển khai Lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải của ô tô, xe máy thực hiện Quyết định số 49/2011/QĐ - TTg ngày 1/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN