Kiểm soát tình trạng béo phì ở học sinh

Thừa cân, béo phì ở trẻ em lứa tuổi học đường đang có xu hướng ngày một tăng. Để cải thiện tình trạng này, theo các chuyên gia dinh dưỡng, ngoài việc các gia đình tự điều chỉnh chế độ ăn thì cũng cần cải tiến chế độ dinh dưỡng tại các trường học.

Càng trường điểm, càng nhiều trẻ béo phì

Mới hơn 6 tuổi nhưng bé Nguyễn Trà Mi, Vĩnh Tuy, Hà Nội, đã nặng 32,5 kg, thừa khoảng 10 kg so với tiêu chuẩn. Nhìn con gái từ một cô bé mũm mĩm, đáng yêu hồi nào giờ trở nên nặng nề, ngại giao tiếp, chỉ thích xem ti vi, đọc truyện, chị Nguyên Thu Nga thực sự cảm thấy lo lắng nên đưa bé Mi đi khám dinh dưỡng.

Tư vấn cho mẹ để có bữa ăn đủ dinh dưỡng cho con. Ảnh: Phương Vy - TTXVN

“Bác sĩ hỏi cặn kẽ chế độ dinh dưỡng của cháu và hướng dẫn tôi cách giảm tinh bột, chất béo trong bữa ăn, tăng lượng rau, vẫn duy trì uống sữa ít béo và khuyến khích cháu vận động... Nhưng tôi rất băn khoăn, vì dịp hè này, cháu ở nhà thì còn thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ, chứ khi con tới lớp thì làm sao mà thực hiện được”, chị Thu Nga lo ngại.

Theo chị Nga, ở trường học là rất khó vì không có chế độ ăn riêng dành cho trẻ thừa cân, béo phì (TCBP). Nhiều khi con trẻ về kể bạn nhờ thế là ăn hộ cơm cho bạn. Hoặc là các bậc phụ huynh thường tổ chức sinh nhật cho con ở lớp học, sinh nhật nào cũng có bánh ga tô, bim bim... toàn thức ăn giàu năng lượng nhưng nghèo vi chất dinh dưỡng...

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, đúng là tình trạng TCBP ở trẻ em lứa tuổi học đường đang có xu hướng ngày một tăng. Theo một số nghiên cứu mới nhất cho thấy, tỷ lệ trẻ TCBP ở một số trường tiểu học Hà Nội lên đến 40%, ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hải Phòng cũng ở trong khoảng 30 - 40%. Điều đáng nói, càng trường điểm thì tỷ lệ trẻ TCBP càng cao.

Việc xây dựng thực đơn trường học phù hợp sẽ góp phần điều chỉnh tình trạng dinh dưỡng của trẻ theo hướng cân đối hơn. Tuy nhiên, việc xây dựng thực đơn này rất công phu, tốn kém, cần có sự trợ giúp của các chuyên gia dinh dưỡng nên hiện chỉ có các nhóm lớp ở trường mầm non mới thực hiện được. Còn nhóm trẻ từ tiểu học trở lên, chế độ dinh dưỡng hầu hết vẫn phụ thuộc vào số tiền mà các bậc phụ huynh đóng góp. Việc ăn uống của con trẻ trên lớp thường được giao cho một bộ phận phụ trách nên đương nhiên các cháu TCBP sẽ ăn như trẻ có cân nặng bình thường. Việc các con có thường xuyên ăn hộ bạn thịt hay cả bát cơm cũng nằm ngoài tầm kiểm soát và chức năng của người trông trẻ trong giờ ăn trưa.

Cải tiến bữa ăn trường học

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, thực trạng TCBP ở lứa tuổi học sinh cho thấy vấn đề dinh dưỡng học đường giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Do đó, Viện Dinh dưỡng đã phối hợp với sở giáo dục của các thành phố lớn (Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng) triển khai thí điểm chương trình cải tiến bữa ăn học đường, tư vấn cho trường học bữa ăn đủ chất dinh dưỡng. Chương trình bao gồm các hoạt động như: Giáo dục kiến thức dinh dưỡng cho cô giáo và học sinh để các em hiểu thế nào là bữa ăn hợp lý và chọn thực phẩm phù hợp với sức khỏe; Giúp xây dựng bộ thực đơn chế độ ăn với 40 thực đơn không trùng lặp với 86 - 117 món ăn khác nhau... Chương trình đã triển khai thành công ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; Năm nay, sẽ tiếp tục triển khai ở Hải Phòng.

Rất đau đáu với việc cải thiện bữa ăn học đường, góp phần kiểm soát tình trạng TCBP ở học sinh, PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho rằng: “Cần có quy định về các sản phẩm bán trong căng tin trường học. Trong khi yêu cầu, khuyến khích các con ăn hợp lý nhưng các trường lại cho bán nước ngọt, bim bim, thực phẩm chế biến sẵn... Và nên chăng, cần đưa quy định cách trường học trong vòng bán kính bao nhiêu mét thì cho phép hàng rong được hoạt động, nhằm hạn chế việc trẻ bị kích thích bởi những thực phẩm giàu chất béo nhưng ít vi chất dinh dưỡng”.

Ngoài việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng trường học thì các bậc cha mẹ cũng cần điều chỉnh chế độ ăn phù hợp cho trẻ tại nhà. Chú ý, năng lượng ăn vào bằng hoặc thấp hơn so với năng lượng tiêu hao. Vì vậy, phụ huynh cần khích lệ trẻ tham gia vào các hoạt động, tham gia vào công việc gia đình.


Phương Liên
Không ngủ đủ giấc có thể bị béo phì
Không ngủ đủ giấc có thể bị béo phì

Hơn 30% người trưởng thành tại Mỹ đang có nguy cơ mắc các bệnh như béo phì, tiểu đường, huyết áp cao hay đột quỵ khi không ngủ đủ giấc theo khuyến cáo của giới chức y tế nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN