Kiểm tra công tác phòng, chống AIDS và ma túy, mại dâm tại Bạc Liêu

Ngày 7/10, Đoàn kiểm tra của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm do Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu về việc kiểm tra công tác phòng, chống AIDS và ma túy, mại dâm.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu kết luận tại buổi làm việc. 

Báo cáo với đoàn công tác, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Hùng Thái cho biết: Tính đến ngày 30/9/2020, toàn tỉnh phát hiện gần 2.600 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có gần 2.100 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS và gần 1.200 trường hợp đã tử vong. Mức độ nhiễm hiện nay trên tổng dân số là 0,15% (mục tiêu quốc gia đề ra là 0,3%). Số người nhiễm HIV lũy tích theo nhóm tuổi tập trung chủ yếu ở độ tuổi từ 20 - 29 (chiếm 54%), kế đến là nhóm tuổi từ 30 - 39 (chiếm 23%)... Ngoài ra, Bạc Liêu có hơn 1.500 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh mại dâm.

Hiện tại tỉnh cũng có trên 1.800 người sử dụng ma túy nằm trong hồ sơ quản lý, bao gồm gần 1.250 người nghiện và gần 580 người nghi nghiện; phát hiện. Các lực lượng chức năng đã triệt phá hơn 260 vụ có liên quan tới gần 500 đối tượng tội phạm và tệ nạn ma túy. Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố trên 150 vụ với gần 210 bị can; xử phạt hành chính hơn 80 vụ với hơn 220 đối tượng...

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bạc Liêu sẽ mở rộng và đổi mới các hoạt động can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV, mức độ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 50% vào năm 2025; mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị thuốc kháng vi rút HIV đạt 92%; số người được điều trị thuốc kháng virus HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 92%. 

Cùng với đó, tỉnh phấn đấu có 100% số xã, phường, thị trấn, trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức phòng, chống ma túy với các hình thức, thời lượng và nội dung phù hợp; 100% hành vi phạm tội sản xuất trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh được phát hiện, xử lý triệt để; 100% số người nghiện ma túy đều có hồ sơ quản lý; mỗi huyện, thị xã, thành phố (trực thuộc tỉnh) xây dựng được một mô hình điểm về phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn/năm; hàng năm ít nhất có 80% số người nghiện và sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện; cơ sở cai nghiện đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện về cai nghiện ma túy.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Vương Phương Nam, tỉnh sẽ tăng cường thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS; chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV; mở rộng, đổi mới và nâng cao chất lượng các biện pháp can thiệp giảm hại, dự phòng lây nhiễm HIV; triển khai các nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ trong triển khai các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS; thực hiện chi trả từ Quỹ Bảo hiểm y tế cho thuốc ARV và các dịch vụ điều trị HIV/AIDS theo quyền lợi của người bệnh tham gia bảo hiểm y tế.

Mặt khác, tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan phòng, chống ma túy theo hướng chuyên môn hóa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ; bổ sung, trang cấp phương tiện, thiết bị cần thiết phục vụ công tác; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy; thí điểm nhân rộng các mô hình cai nghiện và quản lý người nghiện kết hợp với dạy nghề tạo việc làm...

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị tỉnh Bạc Liêu rà soát một số nội dung quy chế cai nghiện của địa phương để phù hợp với các văn bản của Trung ương; nâng cao công tác quản lý về phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm cụ thể ở từng địa bàn; thực hiện tốt công tác cai nghiện ở gia đình, cộng đồng.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị Bạc Liêu khuyến khích các đơn vị doanh nghiệp và các nhà hảo tâm hỗ trợ điều trị người nhiễm HIV, AIDS, người cai nghiện ma túy; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, năng lực của đội ngũ làm công tác cũng như tăng cường vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống ma túy, người nghiện ma túy.

Bà Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, tỉnh cần làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông về tuyên truyền phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trong cộng đồng; phát huy vai trò của các ban ngành, đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng; xây dựng hiệu quả mô hình can thiệp giảm hại đối với những người bán dâm…

Tin, ảnh: Nhật Bình (TTXVN)
Đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS
Đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS

Xác định “Phòng, chống HIV/AIDS là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, cần có sự phối hợp liên ngành của tất cả các cấp ủy Đảng, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, là bổn phận, trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng”, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã huy động sự tham gia của các cấp, các ngành và cộng đồng trong phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, trên cơ sở đảm bảo sử dụng các nguồn lực có hiệu quả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN