Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng Võ Thị Tuyết Nhung cho biết, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tìm hiểu rõ nguồn gốc cũng như mục đích của chủ nhân chiếc thuyền này. Qua đó, nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là chiếc thuyền rồng và các đồ vật mà chủ nhân của nó làm ra theo tín ngưỡng của người dân địa phương. Hiện, không chỉ ở địa bàn tỉnh Kiên Giang mà nhiều tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thường thấy những bè chuối được người dân làm để thả trôi sông. Trên bè thường kèm theo vàng mã và một số vật dụng cúng tế nhằm xua đuổi vận xui, đem lại điều may mắn cho gia chủ đầu năm mới.
Đến thời điểm này, chưa có tổ chức, cá nhân nào nhận là chủ nhân chiếc thuyền rồng bằng gỗ này. Tạm thời chiếc thuyền được đưa về miếu Ông Vua tại ấp Vĩnh Lập, xã Hòa Chánh để quản lý. UBND huyện U Minh Thượng đề xuất UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng xác minh nguồn gốc, tính liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng của các vật thể nói trên và hướng dẫn xử lý đúng theo quy định của pháp luật, không để xảy ra trường hợp hoạt động lợi dụng tự do tôn giáo, tín ngưỡng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Trước đó, khoảng 8 giờ ngày 24/1, ông Trần Thanh Phong (51 tuổi, ngụ Tổ 4, ấp Vĩnh Trung, xã Hòa Chánh), phát hiện một số vật thể bằng gỗ trôi trên mặt nước kênh Thông Hòa, gồm tượng, bàn, giá để gương, mui thuyền, cột cờ, 14 tấm vải màu vàng và 9 chiếc ghế gỗ nhỏ nên vớt đem về nhà cha ruột gần đó cất giữ.
Đến 17 giờ cùng ngày, một cán bộ ấp Vĩnh Trung phát hiện một chiếc thuyền bằng gỗ dài 11,1 m, rộng 1,7 m, trước mũi khắc đầu rồng, phía sau khắc hình đuôi rồng, trên thuyền có 7 tượng gỗ, một chiếc hộp hình chữ nhật bằng gỗ đựng nhiều gươm, dao, kiếm gỗ… trên kênh Thông Hòa.
Vụ việc thuyền rồng trôi dạt vào đình Nguyễn Trung Trực trên kênh Thông Hòa đã thu hút sự quan tâm trong nhân dân. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã xuống hiện trường vớt chiếc thuyền rồng.