Đối với tình hình hạn hán hiện nay, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về thời tiết, khí tượng, thủy văn, nguồn nước; chủ động ứng phó, phòng, chống hạn hán, thiếu nước nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt, trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước để cung cấp cho người dân.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện kế hoạch, giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước; chỉ đạo triển khai các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bố trí cơ cấu giống, thời vụ, kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc và bảo vệ cây trồng phù hợp với nguồn nước tưới; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn.
Với công tác phòng, chống mưa lũ, ông Nguyễn Hữu Tháp yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng, kiện toàn Đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã để sẵn sàng thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Các địa phương rà soát, thống kê cụ thể vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lỡ đất, tuyến đường đi qua ngầm, tràn để chủ động phương án ứng phó và có kế hoạch thiết lập hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm cho nhân dân được biết, để phòng tránh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện công tác bảo đảm an toàn dân cư, hồ đập; các vùng xung yếu có nguy cơ sạt lở; kiểm tra việc chấp hành và thực hiện đúng quy trình vận hành các hồ chứa và liên hồ chứa. Sở có phương án phòng, chống lũ bão đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du các công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các đơn vị thi công các công trình thủy lợi có phương án đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ...
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum, thời gian tới, nền nhiệt độ tiếp tục tăng cao; nắng nóng có khả năng xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn trung bình nhiều năm; tình trạng khô hạn, thiếu nước xảy ra ở khu vực thành phố Kon Tum, các huyện Ia H’Drai, Sa Thầy, Đắk Tô, Ngọc Hồi, Đắk Hà, Kon Rẫy. Trong 6 tháng cuối năm 2024, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Kon Tum khả năng gây mưa lớn trên diện rộng, với lượng mưa từ 100 - 250mm/đợt, kèm theo dông, sét, mưa đá, có từ 2 - 3 cơn bão.