Dư chấn động đất lan ra diện rộng ở khắc cả khu vực Bắc Tây Nguyên đều cảm nhận được. Đây là lần đầu tiên động đất xảy ra mạnh, người dân cảm nhận rõ rung chấn.
Lần đầu có thiệt hại
Theo thống kê của huyện Kon Plông, trong hơn 100 năm qua (1903-2020), nơi đây ghi nhận 33 trận động đất lớn từ 2,5 độ trở lên, trong đó có 2 trận lớn vào năm 1973 (3,9 độ) và 2015 (3 độ). Tuy nhiên, trong hơn 3 năm qua (từ tháng 4/2021 đến nay), số trận động đất tại Kon Plông và vùng lân cận tăng vọt lên khoảng 800 trận. Cường độ động đất tăng mạnh, trong đó trận động đất ngày 23/8/2022 là 4.7 độ; động đất trưa 28/7/2024 vừa qua lên đến 5 độ. Theo dự báo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện, trong thời gian tới trên địa bàn huyện Kon Plông tiếp tục có những trận động đất kích thích với cường độ và mật độ ngày càng lớn.
Tại các xã gần tâm chấn như Đăk Ring, Đăk Tăng, người dân đã quen với động đất. Tuy nhiên, trận động đất mạnh như trưa 28/7 là lần đầu người dân có thể cảm nhận rõ. Chị Y Liên (thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng) cho biết, khi động đất chị đang gặt lúa nhưng cũng cảm nhận được rung lắc.
Ông Nguyễn Văn Bay, Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng cho hay, khi xảy ra động đất, ông rất lo lắng cho người dân trong thôn, bởi nhà ở của người dân trong thôn hầu hết chưa được xây dựng kiên cố. Tuy nhiên, rất may hai ngày qua hạ tầng nơi đây không bị thiệt hại. Tình hình đời sống người dân trong thôn ổn định.
Động đất chưa gây thiệt hại về người nhưng đã gây thiệt hại về tài sản tại huyện Kon Plông. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum, tại xã Măng Bút, gia đình ông Vy Văn Hải bị rơi một tivi, hư hỏng hoàn toàn; tại xã Đăk Ring, điểm trường trung học cơ sở và Trạm Y tế xã bị rạn nứt; tại xã Đăk Nên, điểm trường mầm non, phòng làm việc Công an xã có vết rạn nứt; Trạm Y tế xã và Trường Mầm non ở xã Pờ Ê bị nứt tường vị trí gần cửa chính….
Làm rõ nguyên nhân
Chỉ trong hai ngày xảy ra đến hơn 30 trận động đất, cường độ và mật độ động đất ngày một lớn khiến một số người dân, nhà đầu tư trên địa bàn có tâm lý lo lắng. Ông Bùi Viết Hà, Chủ tịch Hội Du lịch Măng Đen hy vọng Viện Vật lý địa cầu sớm tìm ra nguyên nhân xảy ra động đất nhiều như thời gian qua và phương pháp khắc phục để những nhà đầu tư như ông có thể yên tâm tiếp tục kinh doanh.
Trong lúc đợi cơ quan chức năng tiếp tục đưa ra kết luận chính thức nguyên nhân động đất, chính quyền và người dân ở tâm chấn Kon Plông đã chủ động ứng phó. Hiện mức độ thiệt hại không lớn, chỉ một số công trình xây dựng quy mô nhỏ hoặc có thời gian sử dụng tương đối lâu xuất hiện vết rạn nứt. Trước mắt, huyện đã chỉ đạo sử dụng nguồn ngân sách dự phòng của huyện, xã để hỗ trợ khắc phục kịp thời những công trình bị hư hại, đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng.
Thời gian tới, huyện tiếp tục sử dụng tài liệu do Viện Vật lý địa cầu cung cấp để chính quyền các xã hướng dẫn, phổ biến thêm, giúp người dân nắm lại kiến thức, chủ động trong ứng phó trong mọi tình huống. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân huyện sẽ tiếp tục đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum có văn bản kiến nghị với Viện Vật lý địa cầu và các cơ quan có chức năng liên quan nghiên cứu, tìm nguyên nhân xảy ra rung chấn như hai ngày qua để thông báo, phổ biến đến người dân an tâm hơn.
Cũng liên quan đến vụ việc, chiều 29/7, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Kon Plông cùng các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương về việc theo dõi, ứng phó với động đất trên địa bàn huyện Kon Plông. Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cũng đề nghị các Công ty cổ phần thủy điện: Thượng Kon Tum, Đăk Hrinh, Thiên Tân theo dõi chặt tình hình dư chấn động đất, kịp thời thông tin đến các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả…