Xe công nông chở hàng và người ngang nhiên lưu thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh- đoạn qua huyện Đăk Hà (Kon Tum). |
Các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng, những năm gần đây, xe công nông, xe máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông - lâm nghiệp có tính năng đa dụng như làm đất, bơm nước, phát điện, vận chuyển… tăng một cách mất kiểm soát. Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum, hiện tỉnh có hơn 6.000 phương tiện hoạt động, trong đó mới chỉ có 1.901 phương tiện được cấp biển số và chỉ có 160 Giấy phép lái xe hạng A4 được cấp cho người dân có nhu cầu. Tính đa dụng cao khiến loại phương tiện này phát triển nhanh, song việc quản lý, kiểm soát nó lại đang gặp rất nhiều khó khăn.
Huyện Đắk Hà là một trong những địa phương tập trung nhiều xe công nông, xe máy kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp nhiều nhất của tỉnh Kon Tum. Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn huyện Đắk Hà có hơn 2.000 xe công nông, xe máy kéo đang hoạt động. Hầu hết các phương tiện này phục vụ sản xuất nông nghiệp là chính, nên sau một thời gian sử dụng, các bộ phận đảm bảo kỹ thuật, cảnh báo nguy hiểm trên các phương tiện đều đã hư hỏng. Do đó, nguy cơ các phương tiện này gây ra tai nạn luôn tiềm ẩn ở mức cao.
Năm 2015, trên địa bàn Đắk Hà đã xảy ra 4 vụ tai nạn do phương tiện này gây ra làm 2 người chết, 2 người bị thương. Trung tá Hoàng Văn Yến - Phó trưởng Công an huyện Đắk Hà cho biết: Loại phương tiện này rất thông dụng và phổ biến đối với người dân ở huyện Đắk Hà, bởi trên địa bàn tập trung lớn diện tích cây cà phê. Sự phát triển của loại phương tiện này trong thời gian qua là rất lớn, nhưng để kiểm soát, xử lý, xử phạt đang gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết đối tượng sử dụng phương tiện này là người lao động, đồng bào dân tộc thiểu số nên với mức phạt như hiện tại rất cao. Vì vậy, nếu làm nghiêm như thu phương tiện sẽ dẫn tới tình trạng phản đối, gây mất an ninh trật tự. Còn việc ngăn cấm loại phương tiện này lưu thông trên các tuyến đường liên thôn, liên xã, huyện và các tuyến quốc lộ là điều không thể.
Hiện nay, việc các xe công nông, xe máy kéo nhỏ lưu thông trên tuyến quốc lộ - nơi tập trung đông phương tiện tham gia giao thông đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn. Mới đây nhất là vụ tai nạn xảy ra trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Chư Păh (Gia Lai) làm 5 người chết đã gióng lên hồi chuông cảnh bảo đối với sự an toàn của loại phương tiện này. Huyện Đắk Tô là địa phương có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua, tập trung nhiều phương tiện lưu thông. Trong thời gian qua, việc kiểm soát xe công nông lưu thông trên tuyến đường này cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thượng tá Lê Trọng Cương- Phó Trưởng Công an huyện Đắk Tô cho biết: Việc cấm loại phương tiện này lưu thông trên các tuyến đường quốc lộ, đường liên huyện là điều không thể. Để hạn chế những rủi ro do loại phương tiện này gây ra, chúng tôi đã tập trung vào công tác tuyên truyền người dân hạn chế tối đa các loại phương tiện này lưu thông vào các giờ cao điểm trên các tuyến quốc lộ, đường liên thôn, liên huyện. Mặt khác, phối hợp với các già làng, trưởng thôn, trưởng bản ký bản cam kết, ký giao ước đảm bảo an toàn giao thông…
Hiện nay, tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng, sự hữu dụng, đa năng của xe công nông, xe máy kéo nhỏ đang dần được người dân ưa chuộng. Vì vậy, việc tìm ra những giải pháp để cảnh báo sự nguy hiểm của loại phương tiện này khi lưu thông trên các tuyến đường là điều hết sức quan trọng. Theo Thượng tá Mai Anh Tuấn - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Kon Tum, hiện việc cấm các loại phương tiện này lưu hành trên các tuyến đường quốc lộ, đường liên huyện rất khó khăn. Dù cảnh sát giao thông đã tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát để nhắc nhở, xử phạt nhưng hiệu quả không cao, bởi việc xử phạt, thu giữ phương tiện gặp rất nhiều trở ngại. Mặt khác, việc các loại phương tiện này không được kiểm định an toàn kỹ thuật, đăng kiểm và đăng ký biển số khiến việc kiểm soát phương tiện gặp nhiều khó khăn. Để hạn chế những rủi ro do loại phương tiện này gây ra, trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát giao thông sẽ xây dựng những phương án cụ thể nhằm kiểm soát loại phương tiện này như: Tuyên truyền cho người dân dán các miếng dán phản quang ở thùng xe, thành xe, đầu và đuôi xe; gắn đèn cảnh báo nguy hiểm ở đầu xe để khi có những phương tiện này lưu thông trong đêm sẽ có tính cảnh báo, báo hiệu rất cao. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền bằng hình ảnh, phim về sự nguy hiểm của loại phương tiện này khi sử dụng không đúng mục đích, đúng công năng…