Kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển: Ký ức của người chính trị viên "tàu không số"


Chúng tôi gặp Thiếu tá Phạm Văn Bát, người chính trị viên trên tàu , 154... của đoàn "tàu không số" năm xưa, nay là Trưởng ban liên lạc Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển tỉnh Thái Bình đúng lúc ông cùng các đồng đội trong Ban liên lạc đang sinh hoạt, chuẩn bị cho buổi gặp mặt truyền thống nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Năm nay đã 76 tuổi, tóc đã bạc, da đã nhăn nhưng khi được hỏi về những kỷ niệm trên con "tàu không số", ánh mắt của ông lại rực sáng lên. Trong ký ức của ông, những lần cùng đồng đội dũng cảm vượt biển, đấu trí với kẻ thù, đưa vũ khí vào bến an toàn trên những chuyến "tàu không số" năm xưa vẫn luôn khắc sâu, không thể phai mờ.




"Tàu không số" trong hành trình "Đường Hồ Chí Minh trên biển".
 Ảnh tư liệu.

Sinh ra và lớn lên ở huyện Đông Hưng (Thái Bình), tháng 9/1953, Phạm Văn Bát nhập ngũ vào bộ đội ở Sư đoàn 304. Tháng 6/1964, ông về Quân chủng Hải quân và sau 45 ngày được huấn luyện về nghiệp vụ hải quân, ông được điều về đoàn "tàu không số" (Đoàn 125 Hải quân) và bắt đầu trên những con tàu trực tiếp vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Trong tâm trí ông, mỗi chuyến đi là một kỷ niệm. Có những chuyến đi suôn sẻ, thuận buồm xuôi gió vào thẳng chiến trường miền Nam, có những chuyến đi kéo dài đến hàng tháng trời; có khi gần đến đích lại phải quay trở lại do bị địch phát hiện. Nhiều chuyến đi, tàu phải liên tục “thay hình đổi dạng” để đánh lừa quân địch, không ít lần đã sẵn sàng “cảm tử” nhưng cuối cùng lại thoát hiểm.

Thiếu tá Phạm Văn Bát kể về những chuyến "tàu không số" mà ông cùng đồng đội tham gia một cách say sưa, đầy cảm động: Chuyến đi đầu tiên của ông trên tàu có nhiệm vụ vận chuyển 65 tấn vũ khí vào Bến Tre. Chuyến này, ngoài việc chở hàng, tàu chở thêm một số cán bộ vào công tác ở miền Nam. Con tàu mang số hiệu do thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Ẩn và chính trị viên Phạm Văn Bát chỉ huy xuất phát từ Hải Phòng vào ngày 29/1/1965. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển vượt qua sóng to biển động, tránh né tàu tuần tiễu của địch, tàu đã cập bến tại Bến Tre và đến 1/3/2965 trở ra miền Bắc an toàn.

Sau chuyến vượt biển đầu tiên thành công đó, ngày 17/12/1965 tàu do thuyền trưởng Đỗ Văn Bé và chính trị viên Phạm Văn Bát chỉ huy, nhận lệnh tiếp tục hành trình lên đường chở 67 tấn vũ khí vào Bạc Liêu chi viện cho chiến trường miền Nam. Chuyến đi này thực sự "cam go ác liệt" vì tình hình trên biển lúc đó rất căng thẳng, khó khăn nhất là làm sao thực hiện được nhiệm vụ mà qua khỏi 5 tuyến phòng thủ của quân địch. Vòng ngoài cùng là Hạm đội 7 Thái Bình Dương của Mỹ với các tàu khu trục, chiến thuyền cỡ lớn luôn sẵn sàng bắn hạ mục tiêu nghi ngờ. Tuyến phòng thủ thứ hai là lực lượng hải quân ngụy liên tục tuần tra. Gần bờ là tuyến thứ ba, với lực lượng hải thuyền tốc độ lớn của ngụy chuyên săn lùng tại các sông rạch gần bờ biển. Ngoài ra là hệ thống rađa điện tử cảnh giới bờ biển được bố trí dày đặc. Còn lại là lực lượng địch trên bờ rất đông, chưa kể số lượng lớn ngư lôi, thủy lôi và lực lượng người nhái... Ngần ấy chướng ngại vật, nên khi rời Hải Phòng, tàu của ông phải cải dạng thành tàu đánh cá để ra hải phận quốc tế.


Trên đường đi, vượt qua nhiều gió to sóng lớn vào đến khu vực biển miền Nam nhưng khi tàu chuẩn bị cập bờ thì máy bay địch từ trong Cà Mau bay ra. Nếu địch phát hiện được tàu ta thì đây sẽ là tình huống vô cùng nguy hiểm. Chính trị viên Phạm Văn Bát lúc đó đã rất nhanh trí, lập tức cho quay mũi tàu ra đánh lạc hướng địch và chuẩn bị phương án sẵn sàng chiến đấu. Máy bay địch từ phía trên phóng thẳng qua mũi tàu nhưng ông lệnh không cho bắn. Chờ máy bay địch bay qua, ông cho ngụy trang lại tàu và mở hướng khác chạy vào bờ. Đêm hôm đó, tàu cập bến an toàn. Sáng hôm sau giao hàng xong, tàu cũng nhanh chóng ra khơi trở về miền Bắc nhưng chỉ cách bờ khoảng 20 hải lý thì gặp tàu địch chặn ngoài biển. Phạm Văn Bát xác định nếu cố ra cũng không thể vượt nổi tàu địch và quyết định cho tàu quay trở lại và ăn Tết ở trong đó.

Kể đến đây, nhấp một ngụp nước chè, Thiếu tá Phạm Văn Bát nói tiếp: Phương châm của các chuyến đi khi đó là “bí mật, bất ngờ, né tránh, dũng cảm, mưu trí thọc sâu vào lòng địch” với mục đích cuối cùng là đưa vũ khí vào đến nơi an toàn. Trong trường hợp bị địch phát hiện, truy kích, ta tự phá hủy tàu, quyết không để vũ khí rơi vào tay giặc và để lộ tuyến đường biển trọng yếu này. Vì vậy tất cả các chiến sỹ trên "tàu không số" đều có tinh thần chiến đấu quả cảm, không lùi bước và chấp nhận hy sinh cả tính mạng để có thể giữbí mật cho cả tuyến đường vận chuyển cũng như an toàn cho số vũ khí trên tàu. Chuyến đi năm ấy, tàu nằm lại hơn 1 tháng thì được lệnh ra Bắc. Biết ra khơi sẽ đụng phải tàu địch, ông quyết định lợi dụng lúc sóng to gió lớn bám theo tàu địch, tàu địch đi trước, tàu của ông vòng đằng sau chạy theo tàu địch để tránh sự phát hiện của rađa địch... Sau đó tàu của ông thoát ra hải phận quốc tế và đến ngày 21/2/1966 về đến Hải Phòng an toàn.

Lần thứ ba, chính trị viên Phạm Văn Bát lên tàu 154 do La Minh Tốt làm thuyền trưởng và Nguyễn Xuân Quế làm thuyền phó. Đây là chuyến đi dài ngày nhất ông cùng đồng đội phải trải qua nhiều hiểm nguy trên biển. Thiếu tá Bát nhớ lại: vào tháng 5/1970, tàu đi lần thứ nhất nhưng do bị địch bám, phải quay lại. Đến ngày 24/8/1970, tàu 154 được lệnh tiếp tục lên đường chở 65 tấn vũ khí vào Bạc Liêu. Lần này đi vào, do bị tàu địch phong tỏa, tàu phải chuyển hướng ra tận vùng biển quốc tế, đến khu vực bờ đảo Phú Quốc, rồi lênh đênh trên vùng biển Ma-lai-xi-a, vịnh Thái Lan... luồn lách vượt qua các tuyến phong tỏa ngăn chặn và lợi dụng sơ hở của địch để bắt điểm vào bờ. Khi đến gần cửa Bồ Đề (Ngọc Hiển, Cà Mau), phát hiện thấy 2 tàu thả trôi của địch đón lõng ở đây, lập tức Thiếu tá Bát cho tàu quay lại, chạy sang hướng khác để tránh đụng độ. Tối đó, khi thủy triều lên, chúng tôi chạy vào cửa sông Gành Hào tìm nơi giấu tàu thì đúng lúc đó lại phát hiện có tàu địch. Cả tàu đã chuẩn bị phương án sẵn sàng chiến đấu. Ở trên tàu lúc đó chỉ còn lại thuyền trưởng, chính trị viên, máy trưởng, báo vụ và cơ yếu bảo vệ tàu; còn một tổ bố trí ra cửa sông, nếu địch vào chiến đấu. Nhưng bố trí xong xuôi vẫn không thấy tàu địch tiến vào mà chúng chỉ chạy phía ngoài. Nằm chờ đến đêm hôm sau, nhận được tin báo tình hình ngoài cửa vàm yên tĩnh, tàu rời nơi ẩn nấp vào bến xuống hàng ở Hang Hố (Cà Mau) và được dân quân và bộ đội địa phương bố trí lực lượng đón và tiếp nhận vũ khí an toàn. Bàn giao hàng xong, ngày 12/9 tàu trở ra Bắc an toàn.

Sau chuyến này ông cùng đồng đội còn tham gia rất nhiều chuyến đi khác. Mỗi lần lên tàu nhận nhiệm vụ vượt biển vào Nam, trong tâm tưởng của ông và các đồng đội đều xác định có thể không có ngày trở về. Với ý chí và quyết tâm cao độ, trải qua nhiều trận chiến sinh tử, nhờ mưu trí và lòng quả cảm kiên cường, những chuyến "tàu không số" của ông và đồng đội vẫn hiên ngang vượt qua phong ba bão táp, đối mặt với mưa bom, bão đạn của kẻ thù, mang hàng ngàn tấn vũ khí, khí tài, đạn dược, góp phần chi viện đắc lực cho quân và dân miền Nam đánh thắng Mỹ ngụy. Tàu 154 sau đó được tuyên dương anh hùng. Sau năm 1975, ông về làm Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 170 Quân chủng Hải quân. Đến năm 1982, ông nghỉ hưu với quân hàm Thiếu tá.

Trong cuộc nói chuyện hơn ba tiếng đồng hồ với chúng tôi, các cựu chiến binh như chính trị viên Phạm Văn Bát, trung úy vô tuyến điện Hồ Nghĩa Thắng tàu 610, y tá Đỗ Xuân Sang, thợ máy 1 tàu Nhật Lệ 69 Phan Văn Khá... đã vẽ lại một thời oanh liệt của những con "tàu không số". Ký ức của những người cựu chiến binh già như các ông, những nhân chứng sống của đoàn "tàu không số" thực sự là những “tư liệu sống” để thế hệ trẻ hôm nay hiểu thêm về lịch sử, truyền thống, sự hy sinh thầm lặng của những anh bộ đội Cụ Hồ nói chung và những chiến sĩ của đoàn "tàu không số" năm xưa nói riêng. Ra về, lòng chúng tôi cứ vấn vương mãi hình ảnh về những người cựu chiến sĩ mưu trí, dũng cảm trên những chuyến "tàu không số" năm xưa, góp phần làm nên trang sử huyền thoại của con đường biển mang tên Bác Hồ kính yêu./.


Thanh Phú

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN