Những ngày tháng 5 lịch sử, Đại tá Phùng Văn Khầu, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân bồi hồi nhớ lại không khí hào hùng của những ngày cùng đồng đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông từng là pháo thủ số 2 kiêm Khẩu đội trưởng, trung đội 1 (đại đội 755, tiểu đoàn 275, trung đoàn 675) - đơn vị chủ lực đánh chặn và tiêu diệt các lô cốt, khẩu pháo của địch trên đồi E, góp phần làm nên chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ.
Hơn nửa thế kỷ đã đi qua, giờ đây tuy tuổi đã cao (83 tuổi) nhưng những kỷ niệm một thời “khói lửa” vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim đầy nhiệt huyết của người lính già Điện Biên năm xưa. Ông bồi hồi nhớ lại: Năm 1946, ông xin vào bộ đội pháo binh của Trung đoàn 174 nhưng do sức yếu nên được phân công làm nhiệm vụ quản lý bếp ăn. Ba năm làm “anh nuôi”, dù chưa biết chữ nhưng ông đã có sáng kiến dùng những viên sỏi, rồi hạt ngô để tiện cho việc ghi chép chi tiêu hàng ngày. Nhờ những sáng kiến đó, ông đã được tuyển sang làm pháo thủ của đơn vị số 2, thuộc trung đội 1, đại đội 755 (tiểu đoàn 275, trung đoàn 675).
Đại tá Phùng Văn Khầu và vợ. Ảnh: suckhoedoisong.vn |
Những ngày tháng cùng đồng đội chiến đấu vẫn còn in đậm trong trí nhớ của ông. Nhấp một chén trà, ông hăng say kể: Tháng 3/1954, đơn vị ông được vinh dự trên giao nhiệm vụ cùng bộ binh chiến đấu trên đồi E của đợt tiến công thứ 2 chiến dịch Điện Biên Phủ. Khẩu đội sơn pháo của ông được giao nhiệm vụ tiêu diệt 4 lô cốt địch và chi viện cho bộ binh. Lúc đó không biết chữ, không sử dụng được súng ngắn nên ông đã nghĩ ra cách ngắm bắn qua nòng pháo. Được lệnh, ông bắn phát đầu tiên nhưng không trúng mục tiêu. Quan sát thấy đạn nổ còn cách lỗ châu mai của địch khoảng 10 m, ông liền đề nghị cho tăng thêm cự ly lên 160 m (trước 150m) và điểm ngắm mép trên lỗ châu mai, đã bắn trúng. Ông di chuyển bắn tiếp, 21 viên đạn đều chính xác, còn dư 8 viên đạn và hoàn thành việc chi viện cho bộ binh chiếm đồi E sau gần 1 giờ chiến đấu.
Đầu tháng 4/1954, đại đội ông lại được lệnh khiêng 3 khẩu sơn pháo lên đồi E chiến đấu phòng ngự. Quân số đại đội ông có 30 người, với nhiệm vụ diệt pháo và xe tăng địch tăng viện. Ngồi trên đầu quân thù 12 ngày đêm, cứ hết bắn thăm dò hỏa lực địch đến quyết chiến. Hai tuần, 5/9 đồng chí trong khẩu đội hy sinh, một số anh em giao động, ông Khầu có lúc tưởng không thể qua nổi, nhưng nhìn huy hiệu Bác trên ngực, nghĩ đến Bác, nhìn đồng đội hy sinh, ông như được tiếp thêm sức mạnh.
Vào trận Mường Thanh ngày 23/4/1954, đại đội ông chỉ còn 4 người hỗ trợ bộ binh chia cắt sân bay. Trận địa pháo địch cách khẩu đội ông đóng (bên kia sông Nậm Rốm) 250m. Sau khi chuẩn bị xong, ông ngắm khẩu thứ nhất của địch và bắn liên tục 3 phát, trúng cả 3. Địch phát hiện, chúng liền tập trung hỏa lực và bắn như mưa về phía đơn vị ông làm sập miệng cửa hầm pháo ta. Sau 10 phút khắc phục, đại đội ông lại ngắm bắn khẩu thứ 2, thứ 3 của địch... Tiêu diệt xong 2 khẩu, ông quay nòng pháo bắn tiếp và trúng 2 khẩu đại liên của địch.
Sau đó, ông giục Khẩu đội phó kiêm pháo thủ nạp đạn Lý Văn Pao đi báo tin cho đại đội trưởng. Lúc này, trên trận địa chỉ còn mình ông với khẩu sơn pháo nhưng ông vẫn kiên quyết tấn công. Ông ngắm khẩu thứ 3 của địch, rồi tự mình nạp đạn và bắn liền 3 phát, trúng cả ba. Lúc này, xe tăng địch phát hiện và bắn liên tiếp về phía lỗ châu mai của ta. Thấy vậy, ông đã hô đồng chí Pao ra khỏi công sự, đồng thời nhanh tay lấy bao đất bịt lỗ châu mai. Lấp được 5 bao thì sức ép đạn pháo của địch làm ông bị bất tỉnh. Sau khi tỉnh lại, thấy địch đang kéo pháo vào trong hầm, ông liền báo cáo đại đội trưởng và hô đồng chí Pao vào vị trí chiến đấu. Ông bắn 1 phát và trúng ngay khẩu pháo thứ 4 của địch... Từ ngày 26/4/1954 trở đi, trên đồi E chỉ còn đồng chí đại đội trưởng, chính trị viên đại đội, ông Khầu và khẩu sơn pháo 75mm tiếp tục dũng cảm chiến đấu cho đến ngày chiến dịch Điện Biên Phủ hoàn toàn thắng lợi.
Kết thúc chiến dịch, ông vinh dự là một trong hai đồng chí được Đại đoàn công pháo 351 đưa lên chiến khu cách mạng chúc thọ Bác nhân dịp 19/5/1954. Trong buổi gặp đó, ông đã được Bác Hồ gắn Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên. Ngoài ra, ông còn được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân... Hiện ông Khầu đang vui sống cùng vợ và con cháu tại số nhà 4, ngõ 24, phố Thanh Vị, phường Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây (Hà Nội).
Những tấm gương anh dũng của người lính Điện Biên Phủ đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Huy Du sáng tác nên ca khúc nổi tiếng Tiếng hát pháo binh “... Nghe năm xưa pháo dậy rừng sâu. Ta hiên ngang tiến bước theo anh Khầu...”. Và, hôm nay, những người lính pháo binh, dù chưa biết thế nào là bom rơi, đạn nổ, đau thương, mất mát của chiến tranh, nhưng mỗi khi nghe lời ca ấy vẫn thấy rạo rực niềm cảm xúc.
Nguyễn Hồng Cường