Kỳ vọng đại biểu trúng cử luôn lắng nghe tâm tư, kiến nghị của nhân dân

Chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (ngày 23/5). Hướng về ngày trọng đại này,các cử tri Hà Nội đã chia sẻ với  phóng viên báo Tin tức những tâm tư, nguyện vọng.

PGS TS Nguyễn Khắc Thanh, Giảng viên cao cấp, Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chi Minh: Giữ sự gắn kết với dân

Chú thích ảnh
PGS TS Nguyễn Khắc Thanh.

Năm năm một lần, theo đúng nhiệm kỳ Quốc hội, với tư cách là công dân, cử tri, mọi người đều có trách nhiệm đi bầu cử để chọn ra những đại biểu tiêu biểu các cấp. Cuộc bầu cử năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nên việc tổ chức bầu cử sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên qua quan sát, tôi thấy đa số cử tri rất quan tâm tới ngày bầu cử.

Điều tôi mong muốn là những đại biểu sau khi trúng cử sẽ giữ sự gắn kết với các cử tri đã từng bỏ phiếu ủng hộ mình. Người được bầu có nhớ tới các nguyện vọng của cử tri hay không là rất quan trọng. Đại biểu cơ quan dân cử, theo tôi, ưu tiên số 1 là gần dân thì mới là đại diện được cho nhân dân.

Về phía cử tri, với tư cách công dân, bầu ai là quyền của mỗi người, nhưng cần thận trọng lựa chọn. Nếu lựa chọn không thấu đáo, về sau đại biểu mình bầu bị miễn nhiệm, thì cử tri cũng có phần trách nhiệm của mình. Quá trình lựa chọn đại biểu để bầu cần công tâm, đúng người và vì sự nghiệp chung của cơ quan dân cử đó. 

Trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp hiện nay, các nơi tổ chức bầu cử rất cần đảm bảo an toàn chống dịch cho người dân. Phía người dân, cử tri cũng cần tuân thủ 5K, từng tổ dân phố có thể thông báo những khung giờ để cử tri đến bầu không quá đông dồn cả đến một lúc. 

Luật sư Hoàng Tùng (Tổ 11, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy): Phát huy cơ chế giám sát các đại biểu sau khi trúng cử

Chú thích ảnh
Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa, luật sư Hoàng Tùng.

Việc tự tay bỏ lá phiếu thể hiện sự tín nhiệm của bản thân để bầu ra những người thực hiện các quyền chung trong các chính sách, quyết định của quốc gia, là rất quan trọng. Tôi rất trông đợi vào nhiệm kì mới của Quốc hội và HĐND kỳ này. Hiện, cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh và đang phát huy rất tốt tinh thần đoàn kết của dân tộc những lúc gặp nguy nan, khó khăn. Do vậy, những đại biểu được tín nhiệm, trúng cử lần này sẽ mang trọng trách lớn lao trong tình hình hiện nay khi vừa phải thay mặt nhân dân nói lên tiếng nói của dân, đề xuất, kiến nghị giải quyết những vấn đề tồn đọng…và cũng phải cùng nhân dân, chính quyền chống dịch.

Đối với cơ chế giám sát các đại biểu sau khi trúng cử: Hiện có Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 quy định rõ về chức năng, hoạt động, quyền giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp. Điều 6 Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung phương thức nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước thông qua dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. Dân chủ trực tiếp được thực hiện qua nhiều cách thức khác nhau, qua việc trưng cầu dân ý, qua việc tham gia quản lý nhà nước, thông qua hoạt động giám sát.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong (phường Cống Vị, phố Kim Mã Thượng): Cương lĩnh hành động cần được nhân dân giám sát

Chú thích ảnh
TS Nguyễn Minh Phong.

Tại địa phương nơi tôi sinh sống đang thực hiện rất tốt công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử. Lá phiếu bầu, hồ sơ các ứng cử viên được mang đến tận nhà cho bà con để thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân. Trong bối cảnh COVID-19 phức tạp, các lực lượng địa phương đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, vừa chống dịch, vừa thực hiện giãn cách xã hội tại một số khu vực nhưng vẫn đang làm tốt vai trò của mình để chuẩn bị cho ngày bầu cử. Tôi hy vọng, người dân sẽ bầu ra được những đại biểu xứng đáng, làm việc với tinh thần nhiệt huyết. Các đại biểu trúng cử cần bám sát thực hiện các nội dung mà họ đã nêu ra trong cương lĩnh hành động của mình. Đây cũng là cơ chế để nhân dân giám sát lời hứa và quá trình thực hiện công việc của đại biểu trúng cử. 

Những cương lĩnh được các đại biểu đặt ra, cam kết không chỉ dán ở nơi bầu cử mà cần công bố rộng rãi trên mạng, cổng thông tin điện tử của phường, quận huyện, tỉnh thành cả nước, có hộp thư riêng để người dân có thể tương tác. Để xứng đáng là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đại biểu dân cử cần giữ mối liên hệ chặt chẽ, mật thiết với cử tri và nhân dân để kịp thời lắng nghe chính xác, đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Cử tri Nguyễn Viết Đại (Tổ bầu cử số 03 - Tổ 4 phường Phúc Đồng, quận Long Biên): Điều cử tri quan tâm nhất là chất lượng các ứng viên

Chú thích ảnh
Cử tri Nguyễn Viết Đại (hình ngoài cùng bên phải).

Được nghe tuyên truyền, phổ biến về Luật bầu cử, tôi nhận thức rõ hơn trách nhiệm trong tham gia lựa chọn những cán bộ có đức, có tài để gánh vác việc dân, việc nước. Bầu cử không thể thành công nếu không có sự tham gia tích cực và trách nhiệm của người dân. 

Điều cử tri quan tâm nhất vẫn là chất lượng của các ứng viên khi tham gia vào cơ quan quyền lực đứng đầu đất nước. Cần có những đại biểu có kiến thức sâu về chuyên môn, từng lĩnh vực, từng quyết sách. Tôi mong rằng các đại biểu Quốc hội khoá tới sẽ quan tâm nhiều đến vấn đề xoay quanh các chính sách chăm lo dành cho người lao động.

 

Bài, ảnh, clip: Minh Phương/Báo Tin tức
Linh hoạt trong tuyên truyền bầu cử ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Linh hoạt trong tuyên truyền bầu cử ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Để cử tri và nhân dân tích cực đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, nhất là ở địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, Ủy ban Dân tộc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bầu cử.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN