Trong ngày 17/11, công nhân Công ty đã vớt được hơn 150 kg cá chết, gồm cá mè, rô phi loại nhỏ. Công ty sẽ cắt cử công nhân thu vớt cá chết hàng ngày, đưa đi xử lý theo quy định, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.
Như TTXVN đưa tin, trước hiện tượng nhiều loài cá chết nổi tại Hồ Tây, Sở Xây dựng Hà Nội có báo cáo chính thức gửi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, lý giải nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên.
Theo Sở Xây dựng, qua phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước thành phố thực hiện quan trắc môi trường tại nhiều vị trí của Hồ Tây. Kết quả bước đầu cho thấy, nhiều chỉ số vượt quy chuẩn cho phép.
Đơn cử, nồng độ oxy hòa tan của 7/7 mẫu đều nằm trên ngưỡng giới hạn tối thiểu cho phép (≥ 4 mg/l) khi có nồng độ dao động 6,95 - 7,64 mg/l.
Về chất lượng nước hồ, theo số liệu kết quả quan trắc tại điểm quan trắc tự động Trích Sài nhận thấy, thông số oxy hòa tan (DO) có thay đổi liên tục; cụ thể, có dấu hiệu giảm bắt đầu từ ngày 25/9 (DO là 3,6 mg/l), ngày 26/9 là 0,46mg/l...
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, nhận xét sơ bộ của liên ngành, hiện tượng cá chết do nhiều nguyên nhân, trong đó có các nguyên nhân chủ yếu như: hiện tượng thiếu không khí, hàm lượng oxy giảm; khối lượng cá trong hồ nhiều, chất lượng nước ô nhiễm, có khí độc (do bùn, tảo... gây ra), cá bị bệnh...
Hiện tượng cá chết trên mặt Hồ Tây bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 9/2022. Số lượng cá chết lác đác, phân tán trên hồ vào ban đêm và rạng sáng, trôi dạt vào ven hồ khu vực đường Nguyễn Đình Thi, Trích Sài, Thanh Niên.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục phối hợp liên ngành thành phố khảo sát lấy mẫu phân tích chất lượng nước; đánh giá chất lượng nước hồ Tây; đề xuất phương án giảm mật độ cá trong hồ...