Sở Khoa học Công nghệ (KHCN) tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện tại địa phương có trên 35 cơ sở sản xuất giống cây trồng bằng công nghệ ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô thực vật (invitro) với công suất nuôi cấy hơn 10 triệu cây giống các loại mỗi năm. Tuy nhiên, chủng loại giống chưa đa dạng, phần lớn không có bản quyền và chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng nên khó xuất khẩu, chủ yếu chỉ phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ nội địa.
Thị trường xuất khẩu các nguồn giống của Lâm Đồng hiện rất đa dạng và luôn thay đổi về nhu cầu nên cần thiết phải xây dựng một trung tâm bảo tồn những giống đã mua bản quyền nhân giống để giữ giống, phục vụ công tác lai tạo giống mới. Đặc biệt, nguồn giống nội địa quý hiếm rất cần được lưu giữ bằng nuôi cấy mô tế bào thực vật, cấy chuyền liên tục, bảo quản lạnh để phòng sự mất giống mà không thể phục hồi lại được. Cũng theo các nhà khoa học của Sở KHCN, quá trình bảo tồn giốngđòi hỏi nhiều công sức, lực lượng chuyên môn, cơ sở hạ tầng, quy mô sản xuất công nghiệp… của doanh nghiệp và các đơn vị liên quan.
Theo Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng, trước nhu cầu ngày càng lớn của các nước phát triển (Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan, Nhật Bản) về nguồn giống cây trồng các loại bằng công nghệ nuôi cấy mô thực vật, ngành nuôi cấy mô tế bào thực vật ở Lâm Đồng cần cải tiến cơ sở hạ tầng, quy mô hoạt động, đẩy mạnh công tác bảo tồn giống; từ đó, giúp các doanh nghiệp, cơ sơ sản xuất nâng cao được chất lượng và sản lượng cây giống sản xuất hằng năm để có được nguồn thu lớn từ xuất khẩu cây giống.
Đặng Tuấn