Đây là chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước, góp phần giảm nghèo, phòng ngừa tái phạm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người chấp hành xong án phạt tù.
Trong số 219 người chấp hành xong án phạt tù tại huyện Đăk Đoa từ năm 2018-2023, có 45 người được xem xét hỗ trợ vốn vay chính sách theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg. Riêng trong năm 2023, có 14 người được vay vốn với số tiền 950 triệu đồng để sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.
Thiếu tá Trần Thị Luận, Phó Đội trưởng Đội Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Công an huyện Đăk Đoa cho biết, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách Xã hội để rà soát, tiếp cận và hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù vay vốn một cách nhanh nhất.
"Chúng tôi cũng theo dõi, kiểm tra và động viên họ sử dụng vốn vay hiệu quả, trả nợ đúng hạn để phát triển kinh tế gia đình", Thiếu tá Trần Thị Luận chia sẻ.
Anh Chhônh, sinh năm 1992, trú tại xã Glar, huyện Đăk Đoa là một trong những người được thụ hưởng từ chính sách cho biết, sau khi chấp hành xong án phạt tù 3 năm vì tội trộm cắp tài sản, anh Chhônh gặp rất nhiều khó khăn để tìm việc làm và hòa nhập với xã hội. Nhờ có nguồn vốn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, anh Chhônh đã mua được một con bò và tái canh vườn cà phê để phát triển kinh tế gia đình.
“Tôi rất vui và biết ơn Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng vì đã giúp tôi có cơ hội làm lại cuộc đời. Tôi sẽ cố gắng làm việc chăm chỉ để sớm trả hết nợ và hứa sẽ không vi phạm pháp luật”, anh Chhônh chia sẻ.
Cuộc sống hiện tại của chị Lê Thị Tuyết Nhung (sinh năm 1978) trú tại thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa may mắn hơn nhờ được tiếp cận nguồn vốn theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg. Trước đây, chị Nhung bị kết án 7 năm tù giam vì tội tàng trữ, buôn bán ma tuý vào năm 2018. Sau khi mãn hạn tù về với cuộc sống đời thường, được sự động viên của gia đình cùng sự hỗ trợ từ cộng đồng, chị được vay 60 triệu đồng để đầu tư trồng cà phê và kinh doanh nông sản. Với nỗ lực của mình, hiện kinh tế gia đình chị đã dần ổn định với nhiều hy vọng cải thiện hơn.
“Sau khi ra tù, tôi gặp nhiều khó khăn vì bị mọi người xa lánh, bản thân thì mặc cảm, không biết làm gì vì không có vốn. Nhờ được vay vốn chính sách dành cho người mãn hạn tù, tôi đã có cơ hội xây dựng lại cuộc sống. Tôi mong rằng nhiều người có hoàn cảnh như tôi sẽ được hỗ trợ nguồn vốn này để vượt qua mặc cảm, tự ti và tái hoà nhập với xã hội”, chị Nhung chia sẻ thêm.
Theo ông Nguyễn Triều Quang, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai, việc giải ngân nguồn vốn chính sách cho người chấp hành xong án phạt tù không chỉ giúp họ có điều kiện phát huy năng lực lao động, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, mà còn góp phần phòng ngừa tội phạm, duy trì an ninh trật tự và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
"Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục triển khai Chính sách này một cách hiệu quả, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng để hỗ trợ, giám sát và đánh giá kết quả của người vay. Đây là một trong những hoạt động thiết thực của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh nhằm thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước, đồng thời thể hiện vai trò và trách nhiệm của ngân hàng trong việc hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt khó, vươn lên trong cuộc sống”, ông Quang cho biết thêm.
Chương trình tín dụng hỗ trợ cho phát triển kinh tế cho người chấp hành xong án phạt tù là chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Chính sách này đã đi vào cuộc sống, giúp những người lầm lỡ vượt qua mặc cảm, tự ti, nỗ lực làm lại cuộc đời, tái hòa nhập cộng đồng bền vững.