Kỳ vọng về tuổi già độc lập, an vui
Niềm vui tuổi già trước hết là được an nhàn, nghỉ ngơi. Đó cũng là mong ước chung của nhiều người khi đã dành cả tuổi trẻ cho học hành, chăm lo sự nghiệp; dành cả tuổi trung niên cho công việc, gia đình. Số khác lại trải qua cuộc sống độc lập và tìm đến những trải nghiệm mới lạ như một cách để tận hưởng niềm vui của tuổi “đã toan về già”, nhất là sau những năm tháng mưu sinh mệt nhoài.
Như mới đây, một hội chị em U60 ở Hà Nội đã tự lái ô tô xuyên Việt 35 ngày để khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của đất nước. Hành trình đặc biệt này đã được hội chị em ghi lại và được thán phục bởi cộng đồng mạng suốt thời gian qua.
Song trên thực tế tại Việt Nam, khoảng trống về an ninh thu nhập cho người cao tuổi còn lớn. Hiện không ít người già còn khó khăn về tài chính, phải tự lao động nuôi sống bản thân hoặc đa phần phụ thuộc vào con cái. Vì vậy, mong ước về tuổi già độc lập, an vui còn khá xa vời.
Như trường hợp của ông Nguyễn Minh Hiệp, tạm trú tại quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, dù ở tuổi 60, ông vẫn vất vả lao động để mưu sinh qua ngày. Sau một ngày đạp xe khắp các con hẻm quanh khu vực quận Bình Tân, thành quả đem về của ông Hiệp là một bao tải các loại đồ đồng nát, phế liệu. Chỉ vậy thôi nhưng cũng khiến ông vui cả ngày. Không lương hưu lẫn trợ cấp, tiền thuê nhà trọ, ăn uống của ông phụ thuộc vào những lần nhặt ve chai.
Theo thống kê tại Việt Nam, trong số hơn 13 triệu người cao tuổi hiện nay, có hơn một nửa là không có lương hưu và trợ cấp, trong đó có gần 40% người từ 60 đến 64 tuổi, gần 30% người từ 70 đến 79 tuổi và 10% người hơn 80 tuổi vẫn phải lao động để kiếm sống.
Những hoàn cảnh như ông Hiệp và nhiều người cao tuổi khác, nỗi lo cơm áo gạo tiền vẫn đang đè nặng lên vai khiến họ khó có thể tận hưởng cuộc sống an nhàn, sum vầy cùng con cháu.
Thế hệ Millenials và áp lực “dân số già” đến quá nhanh
Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Theo Quỹ dân số Liên Hợp quốc, năm 2017 Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số khi mà số người có độ tuổi trên 60 tuổi chiếm 10%.
Bộ Y tế dự báo đến năm 20, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già với tỉ lệ dân số có độ tuổi từ 60 tuổi trở lên chiếm trên 20%. Đến năm 2049, tỉ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25%, nghĩa là cứ 4 người thì có một người cao tuổi.
Có thể thấy, nguy cơ về sức khỏe sẽ gia tăng theo độ tuổi. Đồng nghĩa với việc, nhu cầu an sinh xã hội dành cho người cao tuổi ngày càng tăng trước thực trạng già hóa dân số. Tuổi càng cao sức khỏe càng yếu, số bệnh mắc phải càng lớn và thời gian nằm bệnh càng dài.
Câu chuyện này đặt ra áp lực về cả vật chất, lẫn tinh thần lên người trẻ khi vừa phải dành thời gian chăm sóc ông bà, cha mẹ cho “tròn chữ hiếu”. Nhất là khi người trẻ có thu nhập chưa cao và còn nhiều dự định cho cuộc sống. Họ cảm thấy áp lực khi gia đình liên tục cần sự hỗ trợ kinh tế từ mình. Người trẻ sẽ phải giảm bớt thời gian và các khoản đầu tư cho cá nhân, phát triển sự nghiệp và tích lũy khi về già.
Đặc biệt, khi thế hệ này cũng bước vào tuổi trung niên hoặc về hưu, khả năng kiếm tiền không còn được như trước, dẫn đến nguồn lực tài chính thu hẹp lại và phụ thuộc vào gia đình, xã hội. Do vậy, nếu không có chính sách can thiệp kịp thời, Việt Nam “sẽ luẩn quẩn trong vòng xoáy trẻ không có tích lũy, già nghèo khó, ốm đau, bệnh tật”.
Chuẩn bị từ sớm để tiến tới già hóa chủ động
Dựa trên kinh nghiệm các nước “siêu già” trong khu vực châu Á cũng như trong bối cảnh Việt Nam, việc lên kế hoạch và nâng cao nhận thức của người trẻ để vững vàng tiến đến già hóa chủ động là rất cần thiết. Nhưng câu hỏi đặt ra, chúng ta cần chuẩn bị gì và hành động như thế nào?
Theo nghiên cứu thực hiện bởi Viện nghiên cứu Y- Xã hội học, có một nghịch lý là chỉ hơn 28% người Việt được hỏi có kế hoạch chuẩn bị cho một cuộc sống độc lập khi về già. Trong đó, tài chính là yếu tố khiến nhóm tuổi 30-44 cảm thấy thiếu tự tin nhất.
“Yếu tố quyết định và ảnh hưởng lớn đến các khía cạnh khác khi chuẩn bị kế hoạch nghỉ hưu chính là sự tự do tài chính”, theo TS. Đinh Thị Thanh Vân, Phó chủ nhiệm phụ trách, khoa Tài chính Ngân hàng, trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết.
Vì vậy, thế hệ người trẻ cần lập kế hoạch tài chính cá nhân ngay từ hôm nay. Việc này giống như đường chạy marathon, điểm xuất phát thì luôn rất đông người, vui vẻ, khí thế; nhưng ở điểm kết thúc thường chỉ có một số ít người. Những người biết luyện tập, biết đặt các mục tiêu chinh phục từng quãng đường nhỏ và kiên trì sẽ dần dần tới đích, đó là tự do tài chính.
Bên cạnh việc chuẩn bị về tài chính, người trẻ cần áp dụng lối sống khoa học như tập thể dục đều đặn, thăm khám định kỳ, cũng như có cuộc sống lành mạnh nhằm hạn chế đến mức tối thiểu các vấn đề thể lực có thể gặp phải sau này là một sự chuẩn bị tốt cho tuổi già.
Nhà nước cùng các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền người trẻ tự đảm bảo an toàn tuổi già cho mình bằng cách giảm bớt tiêu dùng và tiết kiệm ngay khi còn đang tham gia lực lượng lao động. Đồng thời, khuyến khích họ tham gia bảo hiểm để nhận lương hưu dùng cho chi trả hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ phục vụ đời sống của mình và chính sách chăm sóc sức khỏe khi về già.
Không ai tránh được tuổi già, nhưng làm thế nào để có một tuổi già thư thái lại đòi hỏi cả một xã hội cùng chung tay, có ý thức chuẩn bị sự khôn ngoan đi kèm kế hoạch và chiến lược rõ ràng mới có thể thành công. Hãy thay đổi quan điểm “trẻ cậy cha, già cậy con” và tích lũy sớm ngay từ bây giờ vì một tương lai không trở thành thế hệ lệ thuộc vào người khác cũng như giảm bớt gánh nặng về an sinh xã hội, trợ cấp cho người cao tuổi.