Tối ngày 7/5, đúng thời khắc 60 năm trước ở chiến trường Điện Biên Phủ im tiếng súng, tại Trung tâm văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội) đã diễn ra cuộc tòa đàm với chủ đề “Ký ức bổ sung lịch sử: Làm thế nào để hiểu trận chiến Điện Biên Phủ một cách nhân văn hơn”.
Khách mời dự cuộc tọa đàm là TS Pierre Journoud - Viện Lịch sử quân sự (Bộ Quốc phòng Pháp), PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà - Viện Lịch sử Đảng (Việt Nam), TS Pierre Asselin - Đại học Hawai Pacific (Mỹ) và nhà báo độc lập Đào Thanh Huyền. Họ là những người nghiên cứu sâu về trận chiến Điện Biên Phủ và đã tiếp cận được với nhiều nhân chứng từ cả hai phía, ghi lại được nhiều hồi ức của những người trong cuộc về trận chiến cách đây 60 năm. Sự có mặt của đông đảo cử tọa, đặc biệt là những thanh niên, sinh viên đã chứng tỏ sự quan tâm rộng lớn với chủ đề cuộc tọa đàm.
Không nhấn mạnh tới diễn biến trận đánh, các con số thống kê, những đánh giá, luận bàn về quân sự, chính trị... cuộc tọa đàm hướng đến việc trao đổi những nhận thức, nhìn nhận về trận chiến này qua ký ức của những người trong cuộc, những điều họ muốn truyền lại cho các thế hệ sau từ những gì mình đã trải qua.
Những khách mời tại buổi tọa đàm. |
PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ với cử tọa về những tâm sự với người cha của mình là chiến sĩ Điện Biên Phủ đã giúp ông say mê sử học và kiểm chứng những nghiên cứu về Điện Biên Phủ qua tư liệu. Theo ông, ký ức của những người trong cuộc đậm nét tình cảm, sinh động hơn nhiều so với những tài liệu khô khan nhưng điều cần thiết là phải chọn lọc và thẩm định nếu muốn sử dụng với tư cách là một mảng sử liệu. Lịch sử là những gì đã diễn ra, không thể thay đổi được. nhưng sự hiểu biết về lịch sử, những nhìn nhận, đánh giá và những bài học rút ra từ lịch sử có thể sẽ nối dài thêm mãi. Trận Điện Biên Phủ là một thí dụ tiêu biểu.
TS Pierre Journoud cho biết: Để hiểu về trận chiến Điện Biên Phủ (cũng như các trận chiến khác) một cách sinh động và đa diện, việc tìm và ghi chép ký ức không chỉ nên dừng lại ở những người có vai trò chủ chốt, những người giữ vị trí chi phối các quyết định mà cần mở rộng tới những người tham gia trong nhiều lĩnh vực liên quan tới sự kiện đó; việc hiểu những sự đánh giá và tình cảm của những những “nhân vật vô danh” cũng quan trọng không kém việc phân tích những quyết định của những người nổi tiếng. Ông cũng đã tiến hành công việc nghiên cứu theo hướng đó và đã thấy được phần nào sự thất vọng, chán nản chiến tranh của những người lính Pháp bình thường nhất khi tham gia cuộc viễn chinh ở Đông Dương...
TS Pierre Asselin - người đã có nhiều nghiên cứu về Điện Biên Phủ, về Hiệp định Geneva và những hệ quả sau đó - nói rằng ông khá thú vị khi thấy giới trẻ Việt Nam hiện nay cũng mê công nghệ, cũng “nghiện” facebook như giới trẻ Mỹ - điều này khác với nhận xét của ông khi sang Việt Nam lần đầu tiên năm 1989. Nhưng ông khuyên họ (những người trẻ Việt và Mỹ) hãy dành thời gian “nhìn lại phía sau”, tìm hiểu quá khứ lịch sử để thấy rằng những gì hôm nay đang có là hệ quả của những gì đã diễn ra...
Sau 60 năm, sự khốc liệt, những tổn thất của cả hai bên ở Điện Biên Phủ dù đã để lại một “vết hằn” sâu đậm trong ký ức của mỗi con người cùng thời cũng đã lùi khá xa. Những tổn thất, khốc liệt, sự hi sinh của những người lính cả hai phía trên chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa đã làm hiện rõ hơn những giá trị của hòa bình và quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai quốc gia, dân tộc Việt, Pháp cũng như các quốc gia, dân tộc khác nói chung.
Bài, ảnh: Ngữ Thiên