Đây là kết quả của quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng tận tình của các nhân viên vườn thú và là sự kết hợp của cặp hươu bố mẹ được nhập về từ Thái Lan cách đây 4 năm.
Ông Phạm Anh Dũng, Phó giám đốc Thảo cầm viên Sài Gòn cho biết, sau thời gian mang thai khoảng 15 tháng, ngày 20/10, hươu mẹ nhập về từ Thái Lan đã sinh ra hươu cái con nặng 40 kg. Tuy nhiên, phải mất hơn 2 giờ đồng hồ và nhiều lần ngã sau khi chào đời, hươu con mới có thể chập chững những bước đi đầu tiên.
Thời gian đầu, hươu mẹ còn né tránh khi hươu con tìm bú và 2 ngày sau hươu mẹ mới quen cách chăm sóc con. Sau hơn 1 tháng, hiện hươu con đã nặng khoảng 60 kg, chiều cao 2 m và khá cứng cáp, khỏe mạnh.
Cùng với kết quả sinh sản thành công hươu cao cổ, vào ngày 31/12/2017, một hà mã con cũng ra đời tại đây. Trước đó, nhiều thế hệ hổ Đông Dương, sư tử, vượn má vàng, voọc bạc, trĩ sao, công xanh, sá sấu… sau một thời gian nuôi dưỡng cũng cho ra đời những “đứa con thân yêu” tại Thảo cầm viên Sài Gòn.
Thảo cầm viên Sài Gòn được đánh giá là 1 trong 10 vườn thú lâu đời nhất thế giới hiện nay với gần 150 tuổi. Vườn thú này đang sở hữu bộ sưu tập động vật với hơn 1.100 cá thể thuộc 135 loài.
Đa số là những loài thú quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới đều có mặt tại đây như: Báo lửa, hổ Đông Dương, voi, trĩ sao… Một số loài đã được chăm sóc và sinh sản tốt trong vườn thú như: trĩ sao, báo lửa, hổ Đông Dương, hà mã, sư tử, vượn má vàng, vọoc bạc, rái cá, linh dương.
Thảo cầm viên cũng có nhiều loại thú nhập ngoại như tê giác trắng, linh dương sừng kiếm, linh dương sừng xoắn, linh dương đầu bò, hươu cao cổ, ngựa hoang, hà mã, hà mã lùn, cò đỏ, vượn cáo, khỉ râu trắng, khỉ sóc…
Ngoài ra, để thu hút nhiều người dân và du khách, Thảo cầm viên Sài Gòn cũng đang đẩy mạnh công tác giáo dục vườn thú thông qua việc khởi động chương trình “Tiết học ngoài nhà trường” dành cho học sinh bậc tiểu học; đầu tư xây dựng bảo tàng động thực vật, phòng thí nghiệm…