Tại chương trình, các nhà báo của TTXVN đã chia sẻ những câu chuyện về “Fake News” và những tác động của nó đối với xã hội, cộng đồng. Đồng thời, hướng dẫn cách phân biệt, nhận biết “Fake News” trên mạng xã hội, trong trường học và cách ứng xử khi gặp những thông tin sai sự thật, tin giả; tổ chức các trò chơi để các em nhận biết “Fake News”…
Đánh giá cao ý nghĩa của chương trình, thầy Nguyễn Minh Phước, Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Thạnh An cho biết, chuyên đề “Nói không với Fake News” của Đoàn Thanh niên Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam đã cung cấp cho các em học sinh rất nhiều thông tin hữu ích. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đặc biệt các mạng xã hội, mỗi ngày lượng thông tin các em học sinh tiếp cận khá nhiều, tuy nhiên không phải em nào cũng phân được tin giả hay tin thật…
“Chương trình cũng đã kịp thời cung cấp cho các em học sinh những kiến thức cơ bản về cách phân biệt tin giả, tin thật, nhằm giúp các em học sinh sau này có những nhận thức đúng đắn hơn về các thông tin trên mạng, từ đó có hành động chín chắn hơn và không bị kẻ xấu lôi kéo làm việc sai trái pháp luật hoặc khi các em tương tác trên mạng xã hội cũng sẽ thông minh, đúng đắn hơn…”, thầy Nguyễn Minh Phước nói thêm.
Tại chương trình, nhiều học sinh ở xã đảo duy nhất của TP Hồ Chí Minh cũng đã đặt những câu hỏi, những tình huống khi gặp “Fake News”… Sau khi lắng nghe các câu hỏi của các em học sinh, các báo cáo viên đã nhiệt tình hướng dẫn các em cách xử lý tình huống khi gặp tin giả, tin thật, đồng thời hướng dẫn các em kỹ năng xử lý khi đối mặt với những thông tin này.
Em Nguyễn Nhật Hùng, lớp 10.2 Trường THCS Thạnh An cho rằng, buổi sinh hoạt tuyên truyền về Fake News rất ý nghĩa với các em và còn giúp nhiều bạn bè Hùng phân biệt tin thật, tin giả ra sao.
"Sau khi nghe về cách phân biệt tin giả, tin thật từ chương trình, em đã biết mình phải tiếp cận thông tin theo hướng đa chiều và khách quan. Cụ thể, khi tiếp nhận một thông tin từ các trang mạng, em cần có sự so sánh các thông với nhiều trang thông tin báo chí chính thống khác nhau, nếu các thông tin ở các trang giống vậy đó sẽ là tin thật. Ngoài ra, khi thấy tin xấu, tin độc hại, tin giả... em cũng sẽ báo ngay cho các cơ quan chức năng hoặc liên hệ các tòa soạn báo chính thống để kịp thời ngăn chặc các tin này phát tán rộng rãi”, em Nguyễn Nhật Hùng cho biết thêm.
Anh Huỳnh Long Hồ, Bí thư Đoàn Thanh niên Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam, cho biết học sinh là lứa tuổi tiếp cận nhanh với nhiều công nghệ và thông tin, đây cũng là đối tượng dễ bị tin giả thu hút và tác động nhiều nhất. "Đa phần các em chưa có kinh nghiệm ứng xử đúng khi tiếp cận thông tin, nhận diện các thông tin xấu độc. Vì vậy, thông qua chương trình, Đoàn Thanh niên TTXVN mong muốn giúp các em phân biệt được đâu là thông tin giả, đâu là thông tin thật để trong mỗi cú nhấp chuột, mỗi cái bấm trên smartphone các em sẽ có trách nhiệm hơn đối với thông tin mà mình chia sẻ trên mạng xã hội", anh Huỳnh Long Hồ cho biết.
Chương trình “Nói không với Fake News” do Đoàn Thanh niên TTXVN triển khai từ cuối năm 2019 đến nay, với mục đích đào tạo kỹ năng phòng tránh tin giả cho học sinh từ tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông. Đến nay, chương trình đã được triển khai tại nhiều tỉnh thành trên toàn quốc như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Tháp… và chương trình đang đặt mục tiêu tiếp tục lan tỏa đến với các em học sinh trên mọi miền Tổ quốc.