92 năm Ngày thành lập Đoàn:

Lan tỏa phong trào thanh niên khởi nghiệp ở đất sen hồng

Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh Đồng Tháp tổ chức nhiều hoạt động nhằm khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trên bước đường lập thân, lập nghiệp. Phong trào thanh niên khởi nghiệp đã lan tỏa khắp vùng đất sen hồng, giúp thanh niên làm giàu chính đáng cho gia đình và góp phần phát triển quê hương.

Chú thích ảnh
Bí thư Xã đoàn Bình Thành Lê Nguyễn Huỳnh Anh thăm mô hình sản xuất phân hữu cơ của anh Nguyễn Trường An. 

Những thanh niên 9x khởi nghiệp

Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Công nghệ sinh học, anh Nguyễn Trường An (sinh năm 1993, ngụ xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) làm việc cho một công ty chế biến thủy sản, với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nhận thấy tiềm năng phụ phẩm vỏ củ ấu sẵn có tại quê hương Lấp Vò, năm 2020, anh quyết định nghỉ việc để nghiên cứu, khởi nghiệp với phân hữu cơ được sản xuất từ vỏ củ ấu. Trên bước đường khởi nghiệp của anh An, có sự đồng hành của người thân trong gia đình và Xã đoàn Bình Thành.

Bí thư Xã đoàn Bình Thành Lê Nguyễn Huỳnh Anh cho biết, mô hình khởi nghiệp của anh Nguyễn Trường An có tính sáng tạo, vừa đem lại kinh tế cho gia đình, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Xã đoàn luôn đồng hành cùng anh Trường An trong việc triển khai, hoàn thiện sản phẩm phân bón hữu cơ thông qua các hoạt động tư vấn, định hướng, hỗ trợ thiết kế logo, bao bì và giới thiệu sản phẩm thông qua mạng xã hội; đồng thời, tạo điều kiện cho anh tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất kinh doanh.

Chú thích ảnh
Sản phẩm phân hữu cơ dạng viên nén từ vỏ củ ấu của anh Nguyễn Trường An ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp). 

Từ số vốn vay gần 100 triệu đồng của Quỹ Giải quyết việc làm cộng với tiền tích lũy của bản thân, anh An đã đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng rộng 200m2 để sản xuất phân hữu cơ từ vỏ củ ấu. Anh cho biết, hiện tại, cơ sở của anh sản xuất 2 sản phẩm chính là phân hữu cơ dạng viên nén và chất trồng (giá thể), từng bước được thị trường chấp nhận, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp, mang về doanh thu gần 250 triệu đồng/năm; tạo việc làm cho 2 lao động thời vụ. Thời gian tới, anh dự định sẽ mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm máy móc để nâng công suất sản xuất phân hữu cơ từ vỏ củ ấu lên 100 tấn/tháng.

Tương tự anh An, với quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, năm 2020, anh Nguyễn Thanh Hoàng (sinh năm 1995, ở xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) đã “bỏ phố về quê” đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để nuôi và kinh doanh cá cảnh.

Anh Hoàng chia sẻ, năm 2018, anh tốt nghiệp đại học chuyên ngành Điện công nghiệp và làm lập trình viên điện tự động cho một công ty tại Thành phố Hồ Chí Minh. Là con trai duy nhất trong nhà và vì cha mẹ lớn tuổi nên sau khi lập gia đình, anh quyết định nghỉ việc, về quê khởi nghiệp để gần gũi, chăm sóc gia đình. Sự quan tâm, động viên của các cán bộ Đoàn giúp anh tự tin hơn với quyết định của mình.

Ban đầu chưa có kinh nghiệm, anh gặp nhiều trở ngại về con giống, thời tiết, nguồn nước nên cá chết nhiều. Dù vậy, anh vẫn không bỏ cuộc và quyết tâm theo đuổi đam mê; tích cực học hỏi kỹ thuật nuôi cá cảnh từ những người có kinh nghiệm và qua mạng xã hội. Đến nay, anh đã làm chủ kỹ thuật nuôi, cho sinh sản thành công nhiều loại cá cảnh. Trại cá cảnh của anh Hoàng rộng khoảng 2.000m2 đang ương, nuôi trên 100 loại, có nguồn gốc ở trong và ngoài nước như: cá buồm, cá ba đuôi, cá trê panda, cá chép koi, cá tai tượng châu Phi… Bên cạnh đó, anh còn nhập thêm một số giống cá theo nhu cầu của khách hàng để bán.

Chú thích ảnh
Anh Nguyễn Thanh Hoàng ở xã Phong Hòa, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đang nuôi và kinh doanh khoảng 100 loại cá cảnh.

Anh Hoàng giới thiệu cá cảnh của mình trên mạng xã hội, bán qua kênh trực tiếp và online. Tùy loại cá cảnh mà có giá bán từ vài chục nghìn đồng đến vài triệu đồng mỗi con. Sau khi trừ các khoản chi phí, nghề nuôi và kinh doanh cá cảnh mang về cho anh Hoàng lợi nhuận bình quân khoảng 240 triệu đồng/năm.

Bí thư Huyện đoàn Lai Vung Lê Ngọc Dung cho biết, trại nuôi cá cảnh của anh Hoàng được đầu tư xây dựng bài bản, khoa học. Đây là mô hình mới ở địa phương và có hiệu quả kinh tế. Sắp tới, Huyện đoàn sẽ tổ chức cho đoàn viên, thanh niên trong huyện đến tham quan mô hình nuôi và kinh doanh cá cảnh của anh Hoàng.

Đồng hành cùng thanh niên

Cùng với các anh Trường An, Thanh Hoàng, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp còn có nhiều thanh niên mạnh dạn khởi nghiệp và đã thành công với những mô hình như: chị Lương Thị Bích Tuyền (huyện Tam Nông) với sản phẩm nước mắm nhĩ truyền thống; chị Nguyễn Phượng Hằng (huyện Lấp Vò) với mô hình cây giống cấy mô; anh Đoàn Phan Dinh (huyện Châu Thành) mô hình nuôi heo rừng…

Theo Bí thư Tỉnh đoàn Đồng Tháp Huỳnh Minh Thức, thời gian qua, phong trào thanh niên khởi nghiệp được triển khai rộng khắp, được sự hưởng ứng và quan tâm của thanh niên địa phương. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả trong thanh niên, nhiều thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi.

Trên hành trình lập thân, lập nghiệp của không ít thanh niên đất Sen hồng có sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp bộ Đoàn. Ban Thường vụ các Huyện, Thành đoàn thường xuyên đến thăm hỏi, tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên có chí hướng làm ăn, phát triển kinh tế. Qua đó, không chỉ động viên về mặt tinh thần mà còn giúp đỡ về vốn, khoa học kỹ thuật… cho họ. Đến nay, các cấp bộ Đoàn đã xem xét, hỗ trợ  thanh niên thực hiện 10 dự án khởi nghiệp vay tổng cộng 1,7 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp; 11 dự án vay từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn với số tiền hơn 2,8 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Trại nuôi cá cảnh của anh Nguyễn Thanh Hoàng ở xã Phong Hòa, huyện Lai Vung (Đồng Tháp). 

Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên các cấp trong tỉnh tạo điều kiện cho những dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp tiêu biểu tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp tại hội chợ trong và ngoài tỉnh, sàn thương mại điện tử. Năm qua, các cấp bộ Đoàn phối hợp tổ chức trên 180 lớp tập huấn, tọa đàm, buổi sinh hoạt câu lạc bộ khởi nghiệp về tư duy đổi mới sáng tạo, đưa sản phẩm ra thị trường thông qua các kênh phân phối hiện đại, kiến thức, kỹ năng về quản trị tài chính, nhân sự, triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)… nhằm trang bị kỹ năng về kinh doanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong khởi nghiệp cho thanh niên.

Toàn tỉnh Đồng Tháp đã thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả 2 câu lạc bộ sáng tạo khởi nghiệp cấp tỉnh, 14 câu lạc bộ khởi nghiệp cấp huyện, 162 câu lạc bộ thanh làm kinh tế, 18 câu lạc bộ khởi nghiệp trong trường trung học phổ thông. Toàn tỉnh đã thành lập mới và duy trì 216 tổ hợp tác, 2 hợp tác xã thanh niên, 1 trang trại thanh niên, thu hút trên 1.440 đoàn viên, thanh niên tham gia lao động.

Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, Tỉnh đoàn Đồng Tháp đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và đầu tư tổ chức 5 cuộc thi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thu hút hơn 450 dự án, ý tưởng tham gia dự thi. Cuộc thi đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các chuyên gia về kinh tế. Nhiều dự án, ý tưởng đã phát triển từ sau khi tham gia cuộc thi. Ngoài  thí sinh trong tỉnh, cuộc thi đã thu hút nhiều dự án, ý tưởng của thí sinh đến từ các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bài và ảnh: Nhựt An (TTXVN)
Tuổi trẻ tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia
Tuổi trẻ tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia

"Tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số", là quyết tâm của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò, thế mạnh của thanh niên tham gia chuyển đổi số, thực hiện ý chí, khát vọng phát triển đất nước trong những thập niên tới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN