Chủ tịch UBND quận Ba Đình nhấn mạnh, việc các tình nguyên viên làm việc tại Trạm Y tế lưu động thể hiện tinh thần vì cộng đồng rất cao, hoàn toàn làm việc vì tâm huyết trách nhiệm của công dân trước đại dịch, chứ không đòi hỏi chế độ, phụ cấp. Trong thời gian tới, UBND quận Ba Đình tiếp tục thành lập thêm ba cơ sở nữa trên địa bàn nên rất cần những cá nhân có đủ điều kiện tham gia Trạm Y tế cộng đồng, điều trị và chăm sóc cho các ca F0, giảm tải cho y tế tuyến trên.
Trạm Y tế lưu động phường Ngọc Khánh đóng tại Trường Mầm non Tuổi thơ (ngõ 24 phố Nguyễn Công Hoan) với quy mô 200 giường bệnh. Đây là Trạm Y tế lưu động đầu tiên được quận Ba Đình thiết lập theo chỉ đạo của UBND thành phố. Tính đến trưa 17/12, Trạm Y tế lưu động đã tiếp nhận 1.140 bệnh nhân COVID-19 vào điều trị; chữa khỏi và cho trở về gia đình 22 bệnh nhân, trong đó có 4 trẻ em.
Trao đổi với Y sỹ Lê Ngọc Thắng, tình nguyện viên làm việc tại Trạm Y tế lưu động Ngọc Khánh được biết, Trạm đi vào hoạt động từ ngày 9/12, có nhiệm vụ thu dung điều trị cho những ca F0, bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng trên địa bàn quận. Thời gian hoạt động của trạm là 24/7, dưới sự điều tiết của Trung tâm Y tế quận. Công việc của các nhân viên tại Trạm Y tế lưu động đã được phân vai rõ ràng, ai vào việc nấy không có nhiều lúng túng khi thực hiện công việc. Y sỹ Lê Ngọc Thắng cho biết thêm, khác biệt so với công việc trước đây là hết giờ được về nhà với gia đình nhưng khi xác định vào Trạm Y tế lưu động là sẽ ở lại và làm việc liên tục suốt 14 ngày. "Tâm trạng, anh chị em làm việc tại trạm vui vẻ, thoải mái, ai cũng xác định khắc phục khó khăn phải làm việc hết mình để chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân được chu đáo" - Anh Lê Ngọc Thắng chia sẻ.
Theo tìm hiểu, địa bàn Hà Nội có trên 500 Trạm Y tế lưu động. Hiện nhiều xã phường, quận huyện đang kích hoạt các Trạm Y tế lưu động. Tuy nhiên, việc tìm người làm việc tại các Trạm Y tế trên cũng gặp khó khăn. Đây là một thực tế đặt ra với các địa phương.
Ông Vương Quốc Tiến, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Lương (Hai Bà Trưng) chia sẻ, khác với làm việc tại Tổ phòng, chống COVID cộng đồng là các thành viên được về nhà sau mỗi ca trực. Khi vào làm việc tại Trạm Y tế lưu động là xác định làm việc liên tục khoảng 14 ngày, không được về nhà. Chính vì thế việc lựa chọn người làm việc tại Trạm đang địa phương cân nhắc kỹ để khi vào làm việc tại Trạm đáp ứng được các yêu cầu công việc.
Đề cập đến khó khăn huy động nhân lực tham gia Trạm Y tế lưu động, một trưởng phòng của quận Đống Đa thông tin, trên địa bàn đang diễn biến dịch phức tạp. Nhiều bác sỹ đã nghỉ hưu muốn tham gia giúp đỡ cộng đồng nhưng một số người đã không nhận được sự đồng thuận của các thành viên trong gia đình. Họ sợ người thân của mình làm việc ở nơi nguy cơ cao, ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và gia đình.
Tuy nhiên, theo anh Phan Anh Đức (sinh viên Đại học Thủy Lợi), đang tình nguyện làm việc tại Trạm Y tế lưu động phường Ngọc Khánh, đợt dịch lần thứ 4 bùng phát mạnh và đang có diễn biến phức tạp. Mỗi người dân cần tuân thủ nghiêm định 5K về phòng, chống dịch. Anh Phan Anh Đức cho rằng, mỗi người hãy vì cộng đồng, nếu có sức khỏe, có chuyên môn hãy đăng ký với địa phương sở tại để tham gia Trạm Y tế cộng đồng để cùng các cấp các ngành ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh. Làm việc tại Trạm Y tế lưu động được trang bị bảo hộ đầy đủ nên khá an toàn, công việc vừa sức, các thành viên hỗ trợ nhau trong công việc nên thấy không có áp lực và tin rằng mình đáp ứng tốt công việc được giao.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung nhấn mạnh, để hoạt động hiệu quả, một số Trạm Y tế lưu động cần xây dựng quy chế làm việc, phân công công việc cụ thể cho từng cán bộ, đồng thời niêm yết lịch trực, đường dây nóng, có biển hiệu, biển chỉ dẫn đặt ở nơi dễ nhìn.
Các địa phương cần quan tâm đến địa điểm đặt Trạm Y tế lưu động, nên bố trí Trạm ở những nơi có giao thông thuận tiện. Ngoài ra, mỗi Trạm cần có ít nhất 5 phòng riêng biệt, bảo đảm thu nhận được 100 trường hợp F0.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các Trạm Y tế lưu động có chức năng triển khai mọi hoạt động phòng, chống dịch tại cộng đồng, kết nối giữa chăm sóc, quản lý người mắc COVID-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám, chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời các bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn được giao; hướng dẫn xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng test nhanh...