Tại chốt kiểm tra phòng, chống dịch COVID-19 số 7 (khu vực giáp ranh giữa thị xã Ngã Năm của tỉnh Sóc Trăng với huyện Hồng Dân của tỉnh Bạc Liêu), anh Nguyễn Văn Dũng (quê ở xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) cho biết, do gia cảnh khó khăn nên anh rời quê đến Bình Dương làm thợ hồ từ sau Tết Nguyên đán Tân Sửu. Do dịch COVID-19 bùng phát, việc mưu trắc trở, anh phải trở về quê.
Cùng hoàn cảnh, anh Danh Sung (ấp Bà Gồng, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) chia sẻ, hầu hết người lao động ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh là "tâm dịch" đều thất nghiệp nhiều tháng qua nên nguồn tiền dự trữ đã cạn kiệt và bị sa sút về tâm lý, sức khỏe. Trước khi quyết định về quê để phòng, chống dịch họ cũng đắn đo, suy nghĩ rất nhiều bởi hầu hết bà con giở chỉ có đôi bàn tay trắng trong khi cuộc sống của gia đình ở quê lâu nay gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập của họ.
Anh Danh Sung cho biết, bên cạnh nỗi lo trước mắt về khoản chi phí ở khu cách ly tập trung thì anh và mọi người còn ái ngại về những ngày tháng sau này.
Thấu hiểu nỗi niềm và chia sẻ khó khăn với bà con đi làm ăn xa trở về, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp trong tỉnh đã nỗ lực hết mình trong việc tiếp nhận và đưa bà con đi cách ly tập trung theo theo quy định. Cùng với đó, các tổ chức chính trị, xã hội đã chuẩn bị những suất ăn, nước uống, đồ dùng để hỗ trợ, chia sẻ phần nào khó khăn với mọi người trên đường về cũng như tại các khu cách ly.
Ông Trần Minh Thới, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình, cho biết, đến nay, huyện đã tiếp nhận vào các khu cách ly tập trung hơn 1.600 công dân trở về từ các tỉnh, thành có dịch.
Điểm cách ly ở Trường Trung học cơ sở Hòa Bình (huyện Hòa Bình) hiện có gần 100 công dân đang được cách ly. Ngoài những người được gia đình tiếp tế, bà con còn lại được Ban Chỉ huy Quân sự huyện đảm trách về việc ăn uống. Không chỉ nấu ăn cho người dân đang được cách ly tại đây, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hòa Bình còn nấu các suất ăn cho tất cả điểm cách ly trong toàn huyện.
Tại thị xã Giá Rai, nhiều nhà hảo tâm đăng ký nấu các suất ăn miễn phí cho người cách ly về từ vùng dịch. Trong đó, để nấu 400 suất ăn hỗ trợ miễn phí cho người dân trong các khu cách ly trên địa bàn phường Hộ Phòng thì hơn 20 thành viên của Ban Từ thiện Pháp Quang (Khóm 2, phường Hộ Phòng) đã phải đến một ngôi chùa trên địa bàn từ rất sớm chuẩn bị. Mỗi người một việc từ sơ chế, chế biến, chia khẩu phần... để chuẩn bị cho bữa cơm đúng giờ, đủ dinh dưỡng. Mọi người đều hăng say, vui vẻ, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong công việc với mong muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho địa phương và những người dân quê mình đang cách ly phòng dịch.
Ngoài các doanh nghiệp, các hội từ thiện, nhiều người dân có tấm lòng và có chút điều kiện cũng đăng ký với địa phương tặng các suất ăn cho khu cách ly. Hoạt động này không chỉ mang ý nghĩa hỗ trợ về vật chất mà còn lan tỏa hành động đẹp, làm ấm lòng người trong những ngày khó khăn chống dịch.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho rằng số lượng lớn người dồn về trong thời gian ngắn đã gây ra nhiều khó khăn cho tỉnh trong việc bố trí điểm cách ly, nhân lực phục vụ. Không ít người về quê có hoàn cảnh hết sức khó khăn, do đó các địa phương đã vận động nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các hội, đoàn thể cùng chung tay hỗ trợ các suất ăn. Việc làm này góp phần giúp chính quyền địa phương giảm bớt áp lực và một số người khó khăn đỡ phải lo phần chi phí cách ly.