Những ngày cuối năm, do nhu cầu về các mặt hàng tiêu dùng và thực phẩm truyền thống tăng lên, nên các làng nghề truyền thống ở ngoại thành Hà Nội vẫn đang hối hả sản xuất để tăng lượng hàng cung ứng cho thị trường.
Tất bật cuối năm
Đến làng nghề sản xuất đồ mộc mỹ nghệ Đại Nghiệp (xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), mặc dù đã là những ngày cuối cùng của năm, nhưng những chuyến xe chất đầy hàng hóa vẫn ngược xuôi hối hả. Tân Dân là xã có tới 95% các gia đình làm nghề mộc truyền thống.
Người dân làng Tranh Khúc tất bật gói bánh chưng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. |
Các nghệ nhân của làng cho biết, tháng 11 và 12 âm lịch là thời gian cao điểm sản xuất. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao, nhiều xưởng mộc phải thuê thêm nhân công cho kịp tiến độ giao hàng.
“Vào thời điểm cuối năm, nhu cầu mua sắm đồ thờ cúng tăng mạnh nhất trong năm, tăng khoảng 60% so với trung bình các tháng trong năm. Nhu cầu các mặt hàng đồ gỗ như giường, tủ, quần áo... cũng tăng tới 50%, vì cuối năm cũng là mùa cưới, hỏi”, chị Nguyễn Thị Ngần, làng Đại Nghiệm, xã Tân Dân, huyện Thường Tín (Hà Nội) cho biết.
Theo chị Ngần, giá cả đồ gỗ năm nay chỉ tăng chút ít, một bộ tủ thờ loại to có giá 17 triệu đồng, loại vừa có giá 10 - 12 triệu đồng.
Tất cả các sản phẩm của làng đều được làm bằng tay, được chạm khắc cẩn thận nên có đường nét sắc sảo, tinh tế. Nhờ sản xuất kinh doanh có uy tín, nên nhiều chủ hàng tại các phố chuyên doanh đồ gỗ lớn của Hà Nội như Đê La Thành, Lê Duẩn, Minh Khai đã tìm đến làng đặt mối làm ăn lâu dài. Đến nay, đồ gỗ của làng được tiêu thụ khắp Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Ngoài làm đồ gỗ, những người dân trong làng có nghề đi đánh vécni thuê, làm mới đồ gỗ, đồ nội thất gia đình, văn phòng tại nhà.
“Trong những tháng giáp Tết khi nhu cầu làm mới nhà cửa tăng cao thì cả làng nghề làm không hết việc. Do vậy, vào dịp này, chúng tôi chỉ nhận đơn hàng của những mối quen. Còn lại, chúng tôi phải từ chối, vì sợ làm ẩu sẽ không đảm bảo chất lượng, uy tín”, chị Ngần cho biết.
Theo chị Ngần, giá đánh vécni lại một bộ bàn ghế loại to, khoảng 1,3 triệu đồng, bao gồm công thợ khoảng 600.000 đồng, tiền vécni khoảng 700.000 đồng. Loại nhỏ khoảng 1 triệu đồng. Nếu đánh mới một bộ bàn ghế to thì giá 3,5 triệu đồng loại tốt, 2 triệu đồng loại vừa. Với giường, tủ thì tùy vào to, nhỏ để tính giá”.
Làng bánh chưng vào vụ
Làng mộc, làng bánh chưng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì) cũng đang tất bật kinh doanh dịp Tết.
Nghề làm bánh chưng đã có từ lâu tại làng Tranh Khúc. Đây cũng nghề chính mưu sinh chính của người dân trong làng. Cả làng có hơn 200 hộ dân, thì có tới 70% sống bằng nghề này. Bình thường, các hộ chỉ làm vài trăm chiếc mỗi ngày. Vào dịp cận Tết, do sức tiêu thụ tăng lên 5 - 10 lần, nên do vậy các hộ sản xuất phải thuê thêm nhiều nhân công để kịp tiến độ giao hàng.
Bánh chưng Tranh Khúc có nhiều loại, nhiều mức giá khác nhau để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Những chiếc bánh loại ngon có giá khoảng 50.000 đồng/chiếc, loại rẻ nhất có giá khoảng 15.000 đồng/chiếc. Nhưng nếu khách yêu cầu bánh chưng với kích cỡ lớn, hay nhỏ hơn, người dân cũng sẵn sàng đáp ứng.
Theo anh Nguyễn Văn Nam (làng Tranh Khúc), để làm ra được một cái bánh chưng thơm ngon, để được lâu, người làm bánh phải lựa chọn thật kỹ các nguyên liệu như: Lá dong được đưa về từ các tỉnh như Hòa Bình, Tuyên Quang. Gạo ngon được lấy chủ yếu từ Hải Hậu (Nam Định). Thịt lợn được chọn kỹ nhất vì làm nên độ thơm ngon của bánh, trong đó, thịt ba chỉ được nhiều nhà chọn lựa.
Bên cạnh đó, để chất lượng bánh được đồng đều, nhiều gia đình đã đầu tư nồi hơi nấu bằng điện để với nhiệt độ cao, đồng đều, thì bánh chưng sẽ dẻo và thơm ngon hơn. Mặc dù được luộc bằng nồi điện nhưng để bánh đủ độ chín thì cũng phải mất hơn 10 giờ đồng hồ. Khi luộc phải chú ý điều chỉnh nhiệt độ để bánh ra lò không bị nát.
Anh Nguyễn Văn Nam, (làng Tranh Khúc) cho biết, giá nguyên liệu đầu vào năm nay tăng nhẹ so với Tết năm ngoài, nhưng mức tăng không đáng kể, chỉ khoảng 3%, giá bán bánh vẫn không đổi. So với mọi năm, sản lượng bánh tiêu thụ năm nay có sụt giảm.
Không riêng gì làng mộc Đại Nghiệp (Phú Xuyên), làng bánh chưng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì), các làng nghề khác như: làng miến dong, bánh đa nem (Tân Hòa, Quốc Oai), kẹo lạc (Tháp Thượng, Đan Phượng)... cũng đang hối hả sản xuất để đáp ứng những đơn hàng cuối cùng của năm. Theo người dân ở các làng nghề phản ánh, do kinh tế khó khăn nên nhu cầu mua sắm Tết của người dân thành thị năm nay không tăng so với năm ngoái.
Bài và ảnh:Phi Sơn