Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), việc lấy ý kiến này nhằm đảm bảo để trẻ em được tham gia vào các vấn đề trẻ em theo quy định tại Hiến pháp 2013, Luật Trẻ em và Nghị định số 56/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em.
Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam... chủ động tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến của trẻ em trên cơ sở sự tham gia tự nguyện của trẻ. Cơ quan chủ trì phải cung cấp đầy đủ thông tin cho trẻ em; nội dung, hình thức lấy ý kiến phải phù hợp với độ tuổi, giới tính, dân tộc, hoàn cảnh, mức độ trưởng thành sự phát triển của trẻ em.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Nga, việc lấy ý kiến của trẻ em thông qua hình thức lấy phiếu; các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm; điện thoại hoặc các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật. Ý kiến, nguyện vọng của trẻ, ý kiến của Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam được cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu, phản hồi đầy đủ, kịp thời, khách quan, trung thực và sử dụng đúng mục đích.
Người thực hiện lấy ý kiến của trẻ em phải có kiến thức, thái độ thân thiện, kỹ năng phù hợp để làm việc với trẻ em; phải cung cấp cho trẻ em về mục đích, yêu cầu việc lấy ý kiến; nội dung cần lấy ý kiến; hướng dẫn, giải thích cho trẻ những thông tin liên quan đến nội dung cần lấy ý kiến và những nội dung khác mà trẻ quan tâm…
Cũng tại hội thảo, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn việc tổ chức triển khai lấy ý kiến trẻ em theo yêu cầu như Thông tư của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành. Cụ thể như việc chủ động soạn thảo văn bản, độ tuổi áp dụng, lĩnh vực, hình thức, khu vực lấy ý kiến trẻ em; nhiều trẻ em chưa quyết định được hành vi, câu trả lời của mình, nhất là trẻ em khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...
Bà Lương Thị Thuận, Chủ tịch Hội Bảo trợ Trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc tổ chức lấy ý kiến trẻ em là phục vụ, chăm lo, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của trẻ. Tuy nhiên, sau Thông tư của Bộ cũng cần thiết có văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để việc lấy ý kiến trẻ đi vào thực chất từng vấn đề, khía cạnh xã hội, giải quyết các nhu cầu thiết thực của trẻ em.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Lữ Gia, cán bộ Quản lý dự án Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam (Save the Children) cho rằng, việc lấy ý kiến của trẻ em là vấn đề quan trọng. Vì thế, việc này cần được tổ chức hướng dẫn, tập huấn đến nơi, đến chốn cho cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản hiểu rõ, để khi tiến hành lấy ý kiến trẻ đạt được chất lượng và hiệu quả cao nhất.
Tại hội thảo, đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã giới thiệu các văn bản của UBND Thành phố về việc thực hiện lấy ý kiến trẻ em; quy định pháp luật về việc trẻ em tham gia vào các vấn đề trẻ em. Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef), Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm về sự tham gia của trẻ, lấy ý kiến trẻ trên tinh thần chung tay sẽ tạo ra cơ hội thay đổi tích cực cho sự phát triển toàn diện của trẻ em.