Lãng phí nghìn tỷ, chưa kỷ luật được ai

Xác định trách nhiệm cụ thể là điều mà đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) (ảnh), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 4/11.

 

* Thưa ông, làm thế nào để nâng cao tính khả thi của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí?


Để đảm bảo tính khả thi của luật khi đi vào trong cuộc sống, hai vấn đề mà tôi quan tâm là: Phạm vi điều chỉnh quá rộng, nhiều nội dung, trong đó có cả nội dung điều chỉnh lãng phí trong khu vực dân cư, doanh nghiệp tư nhân và nhiều ý kiến nên bỏ quy định này. Trong luật chỉ ghi khuyến khích khu vực dân cư, doanh nghiệp tư nhân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng theo tôi đã là luật quy định thì bắt buộc phải thực hiện, còn khuyến khích thì để văn bản dưới luật quy định.


Vấn đề thứ hai là trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ công chức, viên chức trong việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí chưa rõ ràng và cần có thiết chế, có địa chỉ cụ thể. Đồng thời, biện pháp xử lý còn chung chung, nhiều khi lãng phí trong thực tiễn không quy được trách nhiệm cho ai. Qua việc giám sát việc thực hiện vốn trái phiếu Chính phủ từ 2006-2012 chỉ ra rất nhiều lãng phí lên tới hàng nghìn tỷ đồng với rất nhiều địa chỉ nhưng hiện chưa xử lý kỷ luật được ai cả. Do đó lần này sửa luật phải quy định rõ trách nhiệm và phải có biện pháp chế tài mới mang lại hiệu quả.

 

* Nhiều ý kiến cử tri đề cập đến việc xây trụ sở lãng phí, ý kiến ông về vấn đề này như thế nào?


Việc xây dựng trụ sở nằm trong quyết định đầu tư, theo quy hoạch và cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu quyết định đầu tư không đúng thì vẫn quy định trách nhiệm được nhưng xác định xây trụ sở thế nào là lãng phí đang là vấn đề đặt ra.


Bởi trên thực tế xây dựng trụ sở có đề án và duyệt tuân theo định mức tiêu chuẩn và không ai dám trái tiêu chuẩn ấy. Chính phủ có quy định định mức xây dựng trụ sở từng cấp, từng ngành. Do đó, việc thực hiện quy định này có nghiêm và có cơ quan thẩm tra, thanh tra xem xét để xác định xem lãng phí tới đâu.


Vấn đề ở đây là công năng sử dụng của trụ sở đó có phù hợp từng ngành, từng cơ quan; công suất sử dụng ra sao? Dựa trên tiêu chuẩn nào? Do đó, những quy định này mới dừng ở định tính và chưa có định lượng cụ thể. Để xác định lãng phí ở vấn đề này phải có định lượng cụ thể.

 

* Một vấn đề mà nhiều cử tri quan tâm là lãng phí trong khai thác tài nguyên khoáng sản, theo ông sửa luật lần này có hạn chế được không?


Nguồn tài nguyên khoáng sản đang có sự lãng phí do quản lý khai thác chưa được chặt chẽ và năng lực khai thác, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật còn hạn chế. Trong Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng điều chỉnh vấn đề nhưng chỉ đưa ra được các khung, còn lại phải chờ văn bản dưới luật quy định cụ thể đối với từng loại tài nguyên khoáng sản. Loại nào được khai thác ở mức độ ra sao, trình độ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác ở mức độ đến đâu. Ngay như nguồn tài nguyên nước từ công trình thủy điện, thủy lợi cũng đang đặt ra vấn đề khai thác như thế nào cho phù hợp, nhưng tiêu chí ra sao thì chưa có. Do đó, cơ quan khoa học cần đưa ra tiêu chí để phù hợp với từng loại cụ thể. Luật vẫn chỉ là vấn đề khung.


* Xin cám ơn ông!


Xuân Minh (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN