Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Đông, Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam nhấn mạnh: “Việc lấy ý kiến vào dự thảo hướng dẫn Công đoàn với việc tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân là một trong những nội dung rất quan trọng. Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6 năm 1986, đến nay, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề dân chủ, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Đây là xu thế phát triển chung của xã hội. Trong dân chủ có nhiều nội dung liên quan đến trách nhiệm của tổ chức Công đoàn”.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản đề nghị Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam xem xét việc có tiếp tục tồn tại Ban Thanh tra nhân dân hay không; vì thực tế đã có ý kiến cho rằng Ban Thanh tra nhân dân không phát huy được việc thực hiện dân chủ hay quyền và trách nhiệm của người lao động và chủ sử dụng lao động.
“Qua thảo luận, trao đổi, chúng ta đã có văn bản báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục khẳng định việc cần thiết phải có Ban Thanh tra nhân dân; bởi thực chất đây là công cụ của Công đoàn về thực thi dân chủ ở cơ sở”, ông Nguyễn Văn Đông khẳng định.
Theo đó, Ban Thanh tra nhân dân có chức năng, nhiệm khác với Ủy ban kiểm tra; Ban thanh tra nhân dân là do Công đoàn quyết định, được bầu tại Hội nghị cán bộ, công chức. Hiện nay, ở đâu có sử dụng, có tổ chức Công đoàn thì có Ban thanh tra nhân dân.
Theo dự thảo Hướng dẫn, phương thức hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân là: Tổ chức, thu thập, tiếp nhận, tổng hợp và phân tích thông tin phản ánh từ các nguồn do cán bộ, công chức viên chức, người lao động phản ánh; tiến hành kiểm tra, giám sát, xác minh theo chương trình, kế hoạch; lập báo cáo kiểm tra, giám sát, xác minh; giám sát người đứng đầu xem xét, giải quyết các kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân.
Tại Tọa đàm, các đại biểu của các đơn vị đã thảo luận, đóng góp sôi nổi với các ý kiến xác đáng vào dự thảo Hướng dẫn, tạo thuận lợi cho việc tổ chức Ban Thanh tra nhân dân tại các đơn vị.
Tại Chương trình, Công đoàn Viên chức Việt Nam cũng tổ chức lễ Ký kết Chương trình phúc lợi cho đoàn viên.