Theo báo cáo nhanh của UBND phường An Bình, có 5 hộ dân bị ảnh hưởng vì vụ sạt lở vào trưa 26/2. Ngoài ra, 3 căn nhà kế cận cũng thuộc trường hợp nguy hiểm, cần khẩn trương di dời.
Đoạn sạt lở dài gần 27m, ăn sâu vào bờ 6m, nằm trong phạm vi xây dựng tuyến kè sông Cần Thơ - ứng phó biến đổi khí hậu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư. Hiện nay, tình hình sạt lở trên tuyến này vẫn đang có diễn biến phức tạp, các nhà dân liền kề liên tục xuất hiện các vết nứt, khả năng vẫn còn xảy ra sạt lở.
Ông Trần Kê Thến, hộ dân bị ảnh hưởng cho biết, gia đình ông có 12 người, gia đình đã ra ngoài thuê trọ khoảng 2 tháng trước vì bờ sông có dấu hiệu bị sạt lở. Hiện ngôi nhà chỉ còn một ít đồ đạc và làm nơi buôn bán hàng ngày còn các thành viên trong gia đình không dám ngủ lại ban đêm vì sợ sạt lở bất thình lình.
Hiện phường An Bình đã phối hợp với Ban quản lý dự án và phát triển quỹ đất quận Ninh Kiều vận động, tuyên truyền người dân thuộc những hộ bị ảnh hưởng chủ động di dời khẩn cấp nhà cửa, đồ dùng gia đình đến nơi an toàn, tuyệt đối không ở lại trong các căn nhà bị sạt lở.
5 hộ dân có nhà bị sụp vào trưa 26/2 có trường hợp đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa giao mặt bằng cho dự án, cũng có trường hợp đã thống nhất mức tiền hỗ trợ, bồi hoàn nhưng do dự án thiếu kinh phí nên chưa nhận được tiền.
Chính quyền phường An Bình kiến nghị hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư của dự án sớm chi trả kinh phí bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng của dự án. Đồng thời hỗ trợ tiền tạm cư và bố trí tái định cư cho người dân để họ sớm ổn định cuộc sống.
Trước đó, vào trưa 25/2, tuyến sông Trà Nóc qua địa bàn quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ cũng bị sạt lở nghiêm trọng, làm 12 căn nhà của người dân nằm trên đường Lê Thị Hồng Gấm, phường Trà An bị sụp một phần xuống sông. Đoạn sạt lở có chiều dài khoảng 60m, sâu vào bờ 6m.
Theo nhiều người dân tại địa phương, trong lúc họ đang chuẩn bị bữa ăn trưa thì phát hiện phần nhà phía sau rạn nứt và hạ thấp từ từ xuống sông Trà Nóc. Mọi người hô to và kịp thời chạy thoát ra ngoài, lên nhà phía trên. Sau đó, có 3 căn nhà liền kề nhau bị sụp xuống sông Trà Nóc (phần nhà phía sau), 9 căn kế tiếp bị rạn nứt vách tường và có nguy cơ đổ sụp xuống sông bất cứ lúc nào.
Sau khi sạt lở xảy ra, Đảng ủy, UBND phường Trà An và quận Bình Thủy huy động các lực lượng bộ đội, công an, dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên giúp người dân di dời tài sản ra khỏi khu vực nhà cửa bị sạt lở, rạn nứt.
Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã xuống hiện trường thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người dân và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả.
Ông Nguyễn Ngọc Hè đã trao tiền hỗ trợ cho các hộ dân có nhà bị ảnh hưởng, mỗi hộ 20 triệu đồng (từ nguồn Quỹ Phòng, chống thiên tai của thành phố) để bà con khắc phục hậu quả; đồng thời lưu ý người dân không nên lưu trú tại căn nhà bị sạt lở, rạn nứt; kịp thời di dời tài sản đến nơi an toàn và tìm nơi cư trú tạm thời.
Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu phường Trà An và ngành chức năng quận Bình Thủy bố trí lực lượng hỗ trợ di dời người dân, tài sản đến nơi an toàn và tìm nơi cư ngụ cho người dân nếu có nhu cầu. Chi cục Thủy lợi thành phố Cần Thơ cần tiến hành khảo sát thực tế và đề xuất thành phố giải pháp khắc phục sạt lở tại khu vực này.