Sự tồn tại của đội ngũ “cò mồi” tại cổng các bệnh viện cũng là nguyên nhân khiến tình trạng mất an ninh bệnh viện càng thêm trầm trọng.
Chi tiền sẽ nhanh
Một buổi chiều đầu tháng 4, chúng tôi có mặt tại khoa Khám bệnh tự nguyện của Bệnh viện K (Hà Nội). Mới đầu giờ nhưng bệnh nhân đã xếp hàng chật kín cả hành lang lẫn ngoài vỉa hè xung quanh khoa. Thấy chúng tôi có vẻ “lạ nước, lạ cái”, một người đàn ông trung tuổi săn đón: “Em có muốn khám ngay không, chỉ cần thêm 100.000 đồng , anh sẽ đưa em đi làm thủ tục khám và dẫn tận phòng bác sĩ. 100.000 đồng là quá hữu nghị rồi, anh cũng được một ít thôi”.
BV Da liễu, TP Hồ Chí Minh phải bố trí bảng hướng dẫn dày đặc để bệnh nhân không bị “cò” dụ dỗ. Nguồn: Bộ y tế |
Sau khi tôi cho biết chỉ đến nắm tình hình trước để mai đưa người thân đến khám, người đàn ông này liền vồn vã cho số điện thoại để liên lạc, rồi lại quay đi chào mời những người bệnh khác.
Tình trạng “cò” như vậy cũng diễn ra tại BV Mắt Trung ương (Hà Nội). Khi chúng tôi vừa vào gửi xe thì đã có ngay một người phụ nữ nhỏ thó, da mặt nhăn nheo lân la tới hỏi: “Mua sổ khám chưa em?”. Rồi chị ta gạ luôn: “Để chị mua hộ luôn cho, giá 5.000 đồng/quyển. Còn nếu muốn khám nhanh thì thêm một ít tiền, chị đưa đến tận phòng bác sĩ”.
Rất thuần thục, nữ “cò mồi” đưa quyển sổ khám bệnh, bút và bảo tôi ghi tên, tuổi địa chỉ vào sổ, rồi rút điện thoại nói chuyện với một cán bộ y tế. Kết thúc cú điện thoại, chị ta quay sang bảo: “BS đồng ý rồi đấy, kẹp 350.000 đồng vào sổ rồi chị đưa đi. Đây là tiền chi cho bác sĩ và khám tất cả, soi đáy mắt, đo khúc xạ...”.
“Cò” biến tướng
Tại TP Hồ Chí Minh, tình trạng "cò” BV cũng hoạt động rất công khai, thậm chí còn có nhiều “biến tướng” rất tinh vi. Điển hình là BV Ung Bướu TP Hồ Chí Minh, do BV siết chặt việc lấy số thứ tự nên lực lượng "cò lấy số" giờ đã biến tướng sang làm "cò phòng khám".
Tình trạng quá tải tại các BV, cơ sở y tế cộng với quy trình khám chữa bệnh chưa đạt quy chuẩn, chưa khách quan, đã gây ra tình trạng hỗn loạn trong khám chữa bệnh, trong đó có vấn đề cò mồi. Đáng tiếc, tình trạng này diễn ra phổ biến, đặc biệt là các cơ sở tuyến trên với số lượng bệnh nhân đông, áp lực công việc cao như BV Việt Đức, BV Bạch Mai, BV K (Hà Nội). GS.TS Đào Văn Dũng, Vụ trưởng các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo TƯ |
Chị Hoàng Thị Oanh, từ Đồng Nai lên khám chữa bệnh cho biết: “Đi đến gần cổng BV Da Liễu TP Hồ Chí Minh, một số người giữ xe ở gần BV đã níu tôi lại để “tư vấn” về phòng khám da liễu do chính các BS trong BV khám, đảm bảo nhanh và hiệu quả.Vì sợ vào BV đông nên tôi đồng ý theo lời giới thiệu. Nào ngờ, cả khám và tiền thuốc lên tới gần 2 triệu đồng”.
Theo quan sát, khoảng 7 giờ sáng là thời điểm lực lượng cò này hoạt động hết công suất, thường đứng gần và trước cổng BV để chèo kéo bệnh nhân sang các phòng khám tư nhân. Đa số các cò này đều đội lốt xe ôm, người bán vé số, bán nước dạo... Chiêu mà các cò thường sử dụng là giới thiệu các phòng khám tư gần BV, với “mác” là của các bác sỹ trưởng khoa hoặc phó khoa đang công tác tại BV Ung Bướu, nếu đến khám ở đây, bệnh nhân không mất thời gian phải chờ đợi lâu, mà chất lượng lại tốt không kém gì khám trong viện… Tất nhiên, khi bệnh nhân đồng ý khám theo gợi ý thì sẽ phải chi cho cò một số tiền “dắt mối”.
Một nhân viên bảo vệ của BV Ung Bướu chia sẻ: “Dù chúng tôi đã phối hợp với công an địa phương nhưng vẫn không thể dẹp được "cò" đứng trước cổng BV chèo kéo bệnh nhân. Khi có công an thì cò ngưng hoạt động khi không có công an thì “cò” hoạt động rầm rộ trở lại. Chúng tôi đã dán ảnh của những “cò” này lên bản tin trước cổng BV và phát loa cho bệnh nhân biết để không bị dụ dỗ, thế nhưng xem ra biện pháp này vẫn chưa hữu hiệu”.
"Những đối tượng này thậm chí đã được đưa lên công an quận nhưng chỉ được một thời gian họ lại hoạt động trở lại. Nhân viên BV chỉ đảm bảo trật tự trong BV còn ngoài BV thì không thể", ông Võ Duy Thức, Phó trưởng phòng Hành chính quản trị, BV Ung Bướu cho biết.
Không chỉ bức xúc vì “cò”, nhiều bệnh nhân còn bức xúc hơn vì việc “cò” tồn tại được cũng “nhờ” có sự tiếp tay của một số cán bộ, nhân viên y tế thiếu trách nhiệm (hay còn gọi là cò nội). “Điều này cũng phản ánh tại BV đó, ban lãnh đạo vẫn buông lỏng quản lý, chưa thực sự quan tâm giải quyết triệt để, nên mới để xảy tình trạng “cò”. Do đó, chỉ tuyên truyền, nâng cao ý thức cho cán bộ y tế thôi chưa đủ, các BV cần có những chế tài thật cụ thể, khi xảy ra các vụ việc đều xử phạt nghiêm túc, thậm chí cả sa thải những cá nhân cố tình vi phạm thì mới ngăn chặn tình trạng cò BV”, BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc BV đa khoa Thống Nhất Đồng Nai, khẳng định.
Nhóm phóng viên
Bài 3: Mạnh tay với việc hành hung bác sĩ