Bệnh nhân COVID-19 cần tái khám sau 2-4 tuần
Về ghi nhận nhiều di chứng tim, phổi, rối loạn tâm thần ở người bệnh sau khi mắc COVID-19, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành Y tế rất quan tâm tới nhóm người bệnh này. Theo đó, thành phố đang tiến hành tiêm vaccine cho người dân thuộc các nhóm này.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sau khi xuất viện, các F0 khỏi bệnh có thể tiêm ngay vaccine mũi bổ sung. Bên cạnh đó, các bệnh viện đã có phòng khám hậu COVID-19 để tư vấn cho các F0 khỏi bệnh từ vấn đề tâm lý đến thể chất.
Riêng một số bệnh viện lớn tại TP Hồ Chí Minh đã thành lập khoa điều trị hậu COVID-19 như Bệnh viện Nhi đồng 1 khám cho đối tượng là trẻ em, đối với người lớn có Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy…
Mới đây, Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng sổ tay "Cẩm nang phục hồi sau COVID-19" trong Bộ môn Kỹ thuật Phục hồi chức năng nhằm hỗ trợ cho nhóm này.
Theo ông Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng TP Hồ Chí Minh, để phát hiện sớm tình trạng bệnh nhân mắc di chứng hậu COVID-19, Bệnh viện khuyến cáo bệnh nhân sau khi xuất viện và có kết quả âm tính cần quay lại bệnh viện để tái khám trong khoảng thời gian từ 2-4 tuần để kiểm tra định kỳ xét nghiệm, thực hiện chụp X-quang chuyên sâu tim để đánh giá tổng quát, tầm soát.
Linh hoạt thay đổi cấp độ dịch
Tại TP Hồ Chí Minh, trong văn bản công bố cấp độ dịch của UBND Thành phố vừa công bố, TP Hồ Chí Minh tiếp tục là "vùng xanh" - mức độ nguy cơ thấp. Như vậy, đây là tuần thứ 2 liên tiếp, cấp độ dịch của TP Hồ Chí Minh là cấp độ 1.
Tại thành phố Hà Nội, đến 9 giờ ngày 14/1, toàn thành phố Hà Nội duy trì mức độ dịch 2 (vùng vàng), không có địa bàn quận, huyện nào ở cấp độ dịch 4 (vùng đỏ). Có 7 quận/huyện/thị xã cấp độ 3 (màu cam); 23 quận/huyện/thị xã cấp độ 2 (màu vàng).
Thông tin từ Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết, ông Trần Quang Hiền - Giám đốc Sở Y tế An Giang đã ký thông báo cập nhật cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, phân loại cấp độ dịch COVID-19 cấp tỉnh tính đến ngày 14/1/2022 của An Giang hạ từ cấp độ 2 (vùng vàng) xuống cấp độ 1 (vùng xanh).
Tính đến chiều 14/1, tỉnh An Giang không còn huyện ở cấp độ 3 (vùng cam) và cấp độ 4 (vùng đỏ). Phân loại cấp độ dịch COVID-19 ở cấp xã, An Giang có 108 xã thuộc vùng xanh, 45 xã thuộc vùng vàng, 3 xã thuộc vùng cam và không còn xã thuộc vùng đỏ.
Bắt đầu từ ngày 15/1, toàn thành phố Cần Thơ từ cấp độ 3 (vùng cam) chuyển sang cấp độ 2 (vùng vàng); 5 quận/huyện cấp độ 1 và 4 quận/huyện cấp độ 2. Đối với các xã, phường, thị trấn, có 45 đơn vị cấp độ 1; đơn vị cấp độ 2. So với ngày 31/12, toàn thành phố có 78 xã, phường giảm cấp độ dịch từ 3 xuống 2 và từ 2 xuống 1, không còn xã, phường nào trên địa bàn thành phố ở cấp độ 3 và 4.
Ngày 14/1, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bình Thuận công bố cấp độ dịch của tỉnh căn cứ theo Nghị quyết số 128/NQ- CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế.
Theo đó, tỉnh Bình Thuận ở cấp độ 1 (vùng xanh). Thành phố Phan Thiết và các huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Đức Linh, thị xã La Gi và huyện đảo Phú Quý được đánh giá dịch cấp độ 1. Còn lại huyện Tánh Linh được đánh giá cấp độ 2 (vùng vàng).
Ở cấp xã, phường, tỉnh Bình Thuận không còn đơn vị nào ở cấp độ 4 (vùng đỏ). Có 2 xã Lạc Tánh và Đức Thuận, huyện Tánh Linh thuộc cấp độ 3 (vùng cam); 23 xã, phường cấp độ 2 (vùng vàng); 99 xã, phường thuộc cấp độ 1 (vùng xanh).
Tiêm vaccine tại nhà cho nhóm nguy cơ cao
Tại Hà Nội, công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tiếp tục được đẩy nhanh, đặc biệt lưu ý người già yếu và có bệnh nền. Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, nhiều địa phương đã tổ chức các đoàn y tế tới tận nhà tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người già yếu không thể tới các điểm tiêm chủng tập trung. Trước khi tiêm, người cao tuổi được thăm khám sức khỏe, tư vấn về tiêm vaccine và hướng dẫn theo dõi sức khỏe sau tiêm.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện xét nghiệm nhanh đợt 3 cho người thuộc nhóm nguy cơ từ ngày 17-22/1. Trong quá trình xét nghiệm tầm soát, không để xảy ra tình trạng tập trung đông người.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần khuyến khích, hướng dẫn người dân tự thực hiện và báo kết quả lại cho trạm y tế phường, xã để được theo dõi kịp thời. Tiếp cận và chăm sóc ngay khi phát hiện ca xét nghiệm nhanh dương tính, bên cạnh đó hoàn tất việc tiêm vaccine cho nhóm đối tượng này trước ngày 20/1.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh vừa yêu cầu ngành Y tế tỉnh khẩn trương tổ chức tiêm vét vaccine lưu động ngay tại nhà đối với các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao, dễ bị tổn thương, đảm bảo không để sót ai thuộc nhóm nguy cơ cao mà không được tiêm vaccine đầy đủ (trừ trường hợp chống chỉ định), đặc biệt là những người không thể đến nơi tiêm tập trung. Đồng thời, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine mũi 3 (mũi tăng cường) cho người dân từ 18 tuổi trở lên, cơ bản hoàn thành xong trước ngày 17/1; tiếp tục rà soát thường xuyên, tổ chức tiêm cho những người từ 12 tuổi trở lên có chỉ định tiêm nhưng chưa tiêm.