'Loạn' giá dịch vụ y tế tự nguyện

Do thiếu chế tài quản lý nên đang xảy ra tình trạng giá khám chữa bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện công mỗi nơi mỗi khác; đặc biệt, không ít dịch vụ có mức giá cao ngất ngưởng, gây bức xúc trong dư luận.


“Ép” khám tự nguyện


“Do khu khám bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) đông nghịt, nên tôi đưa con trai sang khám ở khu khám bệnh theo yêu cầu (gọi tắt là dịch vụ) của Bệnh viện (BV) Nhi TƯ. Nhưng tôi rất choáng vì riêng phí khám bệnh thôi đã hết 600.000 đồng. Cộng với chi phí xét nghiệm, tiền thuốc nữa thì một buổi khám sáng nay đã hết 2 triệu đồng, trong khi lương chính của tôi chỉ được hơn 2 triệu/tháng”, chị Nguyễn Thu Phương, phố Bạch Mai, Hà Nội, chia sẻ.

 

Giá dịch vụ y tế tự nguyện sẽ được siết chặt.Lê Phú


Chị Thu Phương còn thắc mắc: Tại sao cùng là BV công của nhà nước mà giá khám dịch vụ mỗi nơi mỗi khác, như ở các BV khác trên địa bàn Hà Nội cũng chỉ khoảng 100.000 đồng, mà ở BV Nhi TƯ lại lên tới 600.000 đồng/lần khám?


“Điều đáng nói là xu hướng mở rộng khu vực khám dịch vụ tại các cơ sở y tế công lập ngày một tăng. Tại sao diện tích đất và số nhân lực đó không dùng để phục vụ số đông bệnh nhân có thẻ BHYT, mà lại sử dụng để phục vụ số ít bệnh nhân khá giả?”, chị Phương bức xúc nói.


Không chỉ riêng chị Phương, lâu nay dư luận đã rất bức xúc về việc mức giá dịch vụ tại nhiều cơ sở y tế công cao ngất ngưởng, tương đương với giá của các bệnh viện tư nhân. Chẳng hạn, tại một BV công, giá dịch vụ chụp cộng hưởng từ (MRI) không có thuốc cản quang là 2 triệu đồng/lần chụp, có thuốc cản quang là 2,5 triệu đồng/lần, thì giá tại một BV tư nhân cũng dao động từ 2,3 - 2,6 triệu đồng/lần... Một số đại diện BV đã giải thích, đó là do họ phải vay vốn để đầu tư trang thiết bị đắt tiền; BV cũng luôn công khai giá chứ không ép buộc bệnh nhân sử dụng dịch vụ y tế theo yêu cầu.


Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó trưởng ban thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết: “Thực tế, một số BV không giải thích rõ về giá dịch vụ, thậm chí, có nơi còn “ép” bệnh nhân sử khám bệnh dịch vụ bằng cách: Thông báo máy móc ở khu vực khám BHYT “hỏng”, bệnh nhân đông, “gợi ý” bệnh nhân khám dịch vụ cho nhanh”.


Cũng theo ông Phúc, tình trạng giá dịch vụ mỗi nơi mỗi khác rất phổ biến. Ví dụ cùng là siêu âm, nội soi, nhưng giá ở BV Thanh Nhàn khác so với BV Xanh Pôn hay BV Bạch Mai. Nguyên nhân do quy định về xã hội hóa, tự chủ tài chính hiện hành chưa chặt chẽ, thiếu chế tài đảm bảo sự minh bạch.


Sẽ đưa ra “giá trần”


Đưa ra giải pháp cho tình trạng thiếu thống nhất về giá dịch vụ như nêu trên, ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính, Bộ Y tế, cho hay: “Chúng tôi đang hướng tới việc xây dựng, ban hành một thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế - Tài chính về việc quy định mức tối đa của khung giá tính đầy đủ các yếu tố chi phí của một số dịch vụ khám chữa bệnh, trong các cơ sở y tế của Nhà nước. Mức giá tối đa của các dịch vụ y tế theo yêu cầu đang được xem xét cụ thể, trên cơ sở lấy ý kiến đóng góp từ các bệnh viện”.


“Bộ Y tế - Tài chính sẽ quy định mức giá tối đa. Sau đó, BV hoặc cơ quan có trách nhiệm sẽ quyết định mức giá cụ thể (nhưng không được cao hơn mức trần). Quan điểm của việc đưa ra mức giá này là muốn đơn vị cung ứng dịch vụ công phải chuyển sang cơ chế hạch toán, minh bạch các khoản thu - chi từ dịch vụ y tế sử dụng nguồn vốn xã hội hóa”, ông Nam Liên khẳng định.


Theo dự thảo thông tư này, giá khám bệnh, ngày giường sẽ được khống chế đầu tiên. Tiêu chí cụ thể về phòng bệnh, các trang thiết bị bên trong buồng bệnh, số lượng giường trong phòng bệnh dịch vụ... cũng được đưa ra, nhằm buộc các cơ sở y tế phải đảm bảo “tiền nào của nấy”. Bên cạnh đó, các BV có trách nhiệm niêm yết công khai danh mục và mức thu khám chữa bệnh dịch vụ để người bệnh biết, lựa chọn. Nghiêm cấm việc gợi ý, ép buộc người bệnh sử dụng dịch vụ y tế này.


Theo ông Nam Liên, Bộ Y tế cũng đã định hướng về việc các cơ sở không huy động vốn tư nhân, mà nên vay ngân hàng để bổ sung các trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất... triển khai khám bệnh dịch vụ. Tuy nhiên, để thực hiện theo chủ trương này cũng khá phức tạp, đòi hỏi trách nhiệm rất lớn của người đứng đầu cơ sở y tế, vì nhiều khoản vay có thể kéo dài cả chục năm.


“Khoảng 5 - 6 tháng nữa, thông tư nêu trên có thể sẽ hoàn tất; sau khi ban hành sẽ quản lý được giá dịch vụ, tránh được tình trạng thiếu thống nhất như hiện nay”, ông Nguyễn Nam Liên khẳng định.



Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN