Vị trí sạt lở nguy hiểm có chiều dài khoảng 32m, đất bị sạt lở dạng hàm ếch và khoét sâu vào bên trong bờ (đường bê tông tấm đan) 3m, độ sâu sạt 4-5m. Sự cố sạt lở đã làm hư hỏng một nửa nền đường giao thông liên ấp Bến Kè - Voi Đình, khiến người dân không thể đi lại. Gần sát vị trí sạt lở, nền đường đang xuất hiện nhiều vết rạn nứt rộng từ 3-5cm và có hiện tượng tiếp tục xảy ra sạt lở lớn hơn.
Khoảng 100 hộ dân sinh sống trong vùng và việc lưu thông qua lại, vận chuyển hàng hóa hàng ngày gặp nhiều khó khăn (hiện tại, người dân phải đi hơn 4 km mới ra được đường lớn).
Nguyên nhân đất bị sạt lở là do đường giao thông nằm gần sát mé sông, bờ sông không có cây chắn sóng. Vì vậy, đất chịu tác động mạnh bởi sóng nước xô vào bờ; sự chênh lệch mực nước thủy triều lớn khi lên xuống trong ngày kết hợp nền đất yếu và mưa lớn đã gây ra tình trạng sạt lở.
Long An cần thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra. Cụ thể, địa phương sơ tán khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở (nếu có); thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí người trực theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở.
Các cơ quan chức năng, đơn vị thuộc thẩm quyền xử lý bước đầu để hạn chế sạt lở. Đồng thời lập phương án xử lý cấp bách, phê duyệt phương án và huy động lực lượng, vật tư xử lý cấp bách để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, nhà nước. Các bên liên quan huy động mọi nguồn lực xử lý khẩn cấp sự cố công trình phòng, chống thiên tai, sự cố công trình xây dựng do thiên tai.
Ngoài ra, UBND huyện Thạnh Hóa khẩn trương ổn định đời sống của các hộ dân trong khu vực. UBND xã Thủy Đông tiếp tục vận động người dân nằm trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở thường xuyên theo dõi diễn biến sạt lở để đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng. Lực lượng chức năng tuyên truyền cảnh báo sạt lở, nghiêm cấm người dân đến gần khu vực nguy hiểm; không cho các phương tiện thủy neo đậu trong vùng sạt lở, bố trí người trực theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở và giữ gìn an ninh trật tự trong khu vực. Các bên liên quan điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, đầu tư các cụm tuyến dân cư để di dời hộ dân trong vùng sạt lở đến nơi an toàn trong trường hợp cần thiết; lập phương án xử lý cấp bách để đảm bảo tuyến đường giao thông thông suốt, an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân...