Theo đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND tỉnh Long An đã có văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư xây dựng dự án Thiết chế công đoàn tại huyện Đức Hòa. Theo dự thảo Quy chế phối hợp triển khai dự án Thiết chế công đoàn trên địa bàn tỉnh Long An, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh chuẩn bị điều kiện về đất đai, quy hoạch, tiến hành thu hút các nguồn vốn đầu tư để xây dựng thiết chế công đoàn tại các Khu Công nghiệp, Khu Chế xuất nhằm đảm bảo mục tiêu sớm hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng dự án thiết chế công đoàn tại tỉnh.
UBND tỉnh Long An có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, cơ quan liên quan hướng dẫn, giải quyết các thủ tục theo quy định pháp luật về đất đai, nhà ở, đầu tư và pháp luật khác có liên quan nhằm đảm bảo tiến độ đầu tư xây dựng các dự án thiết chế công đoàn. Sở Xây dựng Long An tổ chức thẩm định giá bán, thuê mua, thuê nhà ở cho công nhân, trình UBND tỉnh phê duyệt giá bán, giá thuê và giá thuê mua tại các dự án nhà ở cho công nhân theo quy định của pháp luật.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là đầu mối huy động nguồn lực đầu tư (nguồn vốn ngân sách hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác) để thực hiện dự án đầu tư tại các khu quy hoạch Thiết chế công đoàn tại tỉnh Long An đảm bảo phù hợp với mục tiêu của Đề án, các quy định hiện hành của pháp luật và đảm bảo tiến độ thực hiện dự án đề ra. Liên đoàn Lao động tỉnh Long An và đơn vị liên quan thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với các sở, ngành, nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án đảm bảo mục tiêu, tiến độ của Đề án. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có trách nhiệm đảm bảo tiến độ chất lượng công trình xây dựng Thiết chế công đoàn phục vụ người lao động của tỉnh Long An.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Út cho biết, Long An đã rất nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Với chủ trương đặt sức khỏe nhân dân lên hàng đầu bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế, tỉnh luôn ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân, lao động. Ngay từ những đợt được cấp vaccine đầu tiên, Long An đã dành nguồn vaccine tiêm cho công nhân tại các doanh nghiệp 3 tại chỗ, tiếp đến là công nhân tại các công ty, xí nghiệp đang hoạt động và những đơn vị đã ngưng hoạt động nhưng công nhân còn ở lại nhà trọ. Cùng đó là công tác chăm lo cho đời sống người lao động trong suốt quá trình thực hiện giãn cách xã hội bằng nguồn ngân sách và xã hội hóa.
Thông tin thêm về kế hoạch 3 giai đoạn khôi phục kinh tế, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, từ khi mở cửa hoạt động trở lại ngày 15/9 đến nay, toàn tỉnh có khoảng 80% doanh nghiệp hoạt động trở lại, tỉ lệ này cao hơn so với dự kiến, lực lượng công nhân, lao động đã bước đầu ổn định công việc.
Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao chủ trương xây dựng thiết chế công đoàn tại Khu Công nghiệp, Khu chế xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; cho biết, tỉnh sẽ tập trung bố trí nguồn lực thực hiện trong thời gian sớm nhất để hai bên có thể ký kết quy chế phối hợp vào quý I/2022. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, đây là chủ trương phù hợp đối với địa phương có đông công nhân, lao động như Long An.
"Tỉnh đã quy hoạch tổng cộng 35 Khu Công nghiệp, hiện có 16 khu đang hoạt động, 19 khu đang giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư. Nếu 19 khu này lấp đầy và đi vào hoạt động, Long An có tổng cộng gần 2 triệu công nhân, lao động.Tỉnh đang xây dựng đề án 500 nghìn - 1 triệu nhà ở xã hội cho công nhân, trong đó có hạng mục cho thuê và bán nhằm giữ chân công nhân lao động", ông Nguyễn Văn Út chia sẻ.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, tổ chức Công đoàn sẽ thu xếp và đồng hành cùng chủ trương của tỉnh. Bày tỏ vui mừng về công tác chăm lo cho công nhân, lao động trong dịch và tình hình khôi phục kinh tế sau dịch tại Long An, ông Nguyễn Đình Khang mong muốn, thời gian tới, địa phương tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống công nhân, lao động, phát triển đoàn viên, công đoàn cơ sở, xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa lao động và bên sử dụng lao động…