Lớp học nghề nâng bước cho người yếu thế

Phía trong ngõ 84 phố Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) sâu hun hút với “ma trận” các số nhà, có một lớp học may miễn phí mang tên Phố Xưa do thầy giáo Nguyễn Duy Long ( tuổi) sáng lập.

Căn nhà hai tầng ở ngách 203, ngõ 84 phố Kim Ngưu lúc nào cũng tràn ngập âm thanh dồn dập từ tiếng máy may, đan xen với những tiếng cười giòn tan, tiếng chuyện trò rôm rả... Không khí đó khiến người mới tới khó hình dung đó là lớp học của những người có hoàn cảnh đặc biệt: Những phụ nữ không may mắn, những người bị khiếm khuyết về cơ thể...

Chú thích ảnh
Các học viện trong lớp học may miễn phí Phố Xưa.

Lớp học may Phố Xưa của thầy Long được những người yếu thế từ khắp các địa phương trong cả nước biết đến qua địa chỉ trên mạng xã hội Facebook. Khi đọc được những thông tin giới thiệu về lớp học, những tiêu chí phù hợp với bản thân, hoàn cảnh, khả năng... họ có thể trực tiếp liên hệ với thầy Long qua số điện thoại và được thầy hướng dẫn, hỗ trợ tận tình.

“Không giấu nghề”, bằng cái tâm, thầy Long sẵn sàng truyền lại kiến thức, kỹ năng cắt may quần áo và các sản phẩm may mặc. Thầy Long thường xuyên làm các video dạy cắt may miễn phí cho học viên trên mạng xã hội, trong đó phần lớn là các học viên yếu thế, không đủ điều kiện, kinh phí theo học các lớp học may thông thường tại các trung tâm dạy nghề.

Chú thích ảnh
Thầy Nguyễn Duy Long ( tuổi) gần thập kỷ đồng hành, hỗ trợ những người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn.

Sau gần thập kỷ giảng dạy trực tuyến và trực tiếp cho hàng nghìn học viên, thầy Long đã giúp đỡ, dìu dắt nhiều chị em phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có khiếm khuyết cơ thể, bị khuyết tật... mở được cửa hàng may để kiếm sống, chia sẻ khó khăn với gia đình và tìm được niềm vui trong cuộc sống.

Trao đổi với phóng viên, thầy Nguyễn Duy Long chia sẻ: “Phần lớn các học viên tìm đến lớp học may của tôi có nhiều dạng khiếm khuyết khác nhau, có bạn khiếm khuyết phần tay hoặc chân, có bạn tư duy nhận thức chậm hơn người bình thường... và đều mong muốn được học nghề để tự kiếm sống.  Lớp học hiện tại tôi đang dạy cũng vậy, mỗi người một nhận thức, một khiếm khuyết khác nhau, nhưng điểm chung đều như “những tờ giấy trắng”... Vì vậy, tôi dạy từng công đoạn cơ bản nhất, chia sẻ tất cả những kỹ năng tôi biết, những bí quyết làm nghề đúc rút kinh nghiệm nhiều năm qua đến từng học viên, để các bạn dễ tiếp thu nhất”.

Chú thích ảnh
Một buổi học lý thuyết cơ bản tại lớp học may của thầy Long. 

Trong quá trình dạy học, thầy Long luôn quan sát, hỗ trợ các học viên khi các bạn cần, từ các cách thức điều chỉnh máy móc, đến tư thế ngồi may. Bạn có chiều cao khiêm tốn thì hạ bàn xuống hay thiết kế ghế riêng, bạn bị tật chân thì nâng cao thêm bàn ga... Mỗi học viên đều cảm thấy ấm lòng, cảm nhận được sự quan tâm, ân cần của người thầy, người anh cả trong cuộc sống...

“Những cử chỉ ân cần của thầy mang lại cảm giác ấm áp với các học viên yếu thế, khiến chúng tôi luôn có cảm giác thân thuộc và trân trọng sự quan tâm, chăm sóc như người thân, người anh trong nhà của thầy Long...”, chị Trần Thị Phương (33 tuổi, quê Vĩnh Phúc) chia sẻ.

Chú thích ảnh
Chị Trần Thị Phương tham gia lớp học của thầy Long với mong muốn tự mở một cửa hàng cắt may nhỏ tại quê hương. 

Chị Phương có ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang và sở hữu một cửa hàng may quần áo của riêng mình, nhưng không may bị khiếm khuyết một chân từ nhỏ, giấc mơ tưởng chừng đóng lại. Nhưng nhờ có sự giới thiệu, kết nối của tổ chức “Trả lại tuổi thơ”, chị Phương đã trở thành một “mảnh ghép” trong lớp học của thầy Long và đã gắn kết với lớp học như một gia đình.

“Lần đầu xa nhà, đến học lớp cắt may của thầy Long, nhiều đêm khóc vì nhớ nhà, hay trong giờ học có lúc tủi thân, tôi lại ngồi khóc... Lúc đó, thầy cuống quýt an ủi, động viên, tiếp thêm sức mạnh giúp tôi vượt qua những rào cản...”, chị Phương tâm sự.

Chú thích ảnh
Chị Vũ Thị Lan (bên trái) vượt lên những khiếm khuyết, nỗ mặc cảm tự ti... lên Hà Nội, tham gia lớp học cắt may Phố Xưa.

Với mỗi học viên, thầy Long đều quan tâm, chăm sóc, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, sống vui vẻ, theo đuổi ước mơ của riêng mình. Từ khi sinh ra, chị Vũ Thị Lan (34 tuổi, quê Nam Định) bị khuyết tật 6 khớp ở chân, đi bằng mu bàn chân, chiều cao chỉ khoảng 1 m 24, nhiều lúc chị Lan tự ti về bản thân, muốn buông xuôi... Nhưng một lần xem được video dạy cắt may miễn phí trên mạng xã hội, cùng những lời chia sẻ, tiếp thêm động lực của thầy Long, chị đã vượt qua mặc cảm, dũng cảm theo đuổi ước mơ...

“Tôi nhớ, ngày đầu gặp thầy tại lớp học, thấy tôi thấp bé, thầy đã chuẩn bị cho tôi chiếc ghế riêng, vừa với bàn thiết kế. Thầy tận tình chỉ dạy cho tôi kỹ thuật, bí quyết làm nghề và tạo điều kiện cho tôi ở lại với gia đình... Sau 3-4 tháng học tại lớp của thầy, hiện tại tôi đã tự tin cắt may một vài mẫu váy, quần áo trẻ con. Với tôi, lớp học này như một gia đình, nên nhiều lúc thầy bận, tôi cũng hỗ trợ thầy, chỉ cho những học viên chưa biết các kỹ năng tôi đã thành thạo... ”, chị Vũ Thị Lan tâm sự.

Chú thích ảnh
Thầy Long tỉ mỉ vẽ mẫu quần áo.

Nói về việc mở lớp học dạy may miễn phí, giúp đỡ phụ nữ yếu thế, thầy Nguyễn Duy Long trải lòng: “Cách đây gần 13 năm, con tôi không may bị bại não, nhiều đêm tôi nằm khóc... Trong thời gian đó, tôi thấu hiểu nỗi đau, sự vất vả của nhiều gia đình... Bản thân tôi cũng muốn chia sẻ, góp sức giúp những hoàn cảnh như con mình. Tôi bắt đầu mở lớp dạy cắt may dành cho những người không may mắn...”, anh Long trải lòng.

Trong gần thập kỷ gắn bó với nghề may, giúp đỡ những người kém may mắn, đặc biệt là những phụ nữ yếu thế, dù vất vả, khó khăn, nhưng khi nhận lại được thành quả, các học viên khuyết tật thay đổi bản thân, vươn lên làm chủ cuộc sống, thầy Long cảm thấy ấm lòng.

“Tôi cảm thấy tự hào khi những học trò của mình đã tự lập được bằng chính nghề nghiệp mình truyền đạt. Sau khi học xong, nhiều bạn tự mở những cửa hàng may của riêng mình, đồng thời truyền kiến thức, kỹ năng học được cho những người khác tại quê hương, làng xóm”, thầy Long bày tỏ.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Mỗi thành viên trong lớp học gắn kết như những người thân trong gia đình, luôn giúp đỡ, chia sẻ những kiến thức, kỹ năng cắt may.

“Sau khi tham gia lớp học của thầy Long, tôi đang từng bước hoàn thiện cửa hàng cắt may của mình tại Nam Định. Chỉ vài tháng nữa thôi, tôi sẽ thực hiện được ước mơ của mình, tôi biết ơn thầy rất nhiều...”, chị Vũ Thị Lan hạnh phúc chia sẻ.

Với chị Trần Thị Phương, sau khi học may tại lớp học, hiện nay chị đã làm chủ một cửa hàng may tại Vĩnh Phúc, chị hãnh diện nói về cửa hàng của mình có thể phục vụ đa dạng nhu cầu may đồ của khách hàng và có thu nhập đủ để nuôi sống bản thân và gia đình nhỏ.

Chú thích ảnh
Một góc nhỏ trong cửa hàng may của chị Phương tại Vĩnh Phúc.

“Ước mơ làm chủ cửa hàng may quần áo của tôi sau bao năm đã trở thành sự thật. Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực và truyền cảm hứng cho mọi người xung quanh. Tôi cảm ơn thầy Long, vì sự ân cần, quan tâm chăm sóc, cảm ơn những bài học cắt may đã mang lại nghề nghiệp, động viên tôi kịp thời vào lúc muốn buông xuôi. Những việc làm của thầy Long có thể nhỏ bé với mọi người xung quanh, nhưng với tôi là sự tiếp sức lớn lao”, chị Trần Thị Phương xúc động nói.

Dù bộn bề với công việc, vất vả, nhưng thầy Long luôn nở nụ cười, lan tỏa nguồn năng lượng tích cực. Có lẽ vì thế mà lớp học may Phố Xưa luôn tràn ngập sự lạc quan, tình yêu thương, nâng bước cho nhiều mảnh đời kém may mắn trong xã hội.

Hồng Phượng/Báo Tin tức
Lớp học 'không giáo viên' đầu tiên ở Anh
Lớp học 'không giáo viên' đầu tiên ở Anh

Theo phóng viên TTXVN tại London, lớp học "không giáo viên" đầu tiên ở Anh, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) thay vì giáo viên, sẽ khai giảng trong tháng này. Lớp học do trường David Game, một trường tư thục tại London, mở.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN