Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu… Bên cạnh đó, sau Tết là mùa Lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước, nhiều Lễ hội thu hút đông du khách. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm…
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023 phục vụ nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã ban hành Kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023; chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tổ chức 6 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố từ ngày 15/12/2022 đến hết 12/3/2023. Các đoàn tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và các Lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... và các cơ sở dịch vụ ăn uống.
Trong đó, các đoàn của tuyến tỉnh tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm là đầu mối lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp quận, huyện, xã, phường thực hiện kiểm tra.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong cho biết, theo báo cáo nhanh của một số đoàn kiểm tra cho thấy, bên cạnh những sản phẩm được tiêu thụ nhiều vào ngày Tết, chỉ tiêu an toàn theo quy định của Bộ Y tế, còn có những sản phẩm có nguồn gốc động vật không đảm bảo đã được phát hiện.
Cụ thể, các cơ quan chức năng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra các tỉnh có nhiều cửa khẩu, các tỉnh tập trung nhiều cơ sở sản xuất chế biến, lò mổ, cơ sở chứa sản phẩm đông lạnh. Từ đó phát hiện một số sản phẩm hết hạn hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chỉ tiêu an toàn vi sinh... Những sản phẩm này đã bị cơ quan chức năng dừng lưu thông, thu hồi.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết, các cơ quan chức năng khuyến cáo: Mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, sáng suốt lựa chọn những thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tem nhãn thông tin nhà sản xuất; không sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc hỏng. Hạn chế sử dụng bia rượu phòng gây ngộ độc…
“Trước tiên, người tiêu dùng phải chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ. Thứ hai, người tiêu dùng phải thực hiện việc sử dụng, bảo quản sản phẩm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Rất nhiều trường hợp hạn sử dụng nhưng bảo quản sai dẫn đến sản phẩm hư, hỏng”, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm lưu ý.
Bên cạnh đó, người dân cần quan tâm đến thời tiết vì đây yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Điển hình ở miền Bắc vào dịp Tết và mùa lễ hội, thời tiết thường có mưa xuân, ẩm nên mặt hàng có dầu như hướng dương, hạt đậu phộng, hạt dẻ… dễ bị nấm mốc, có độc tố ảnh hưởng sức khỏe. Trong khi đó, phía Nam vào dịp Tết nhiệt độ cao, thời tiết nóng dẫn đến các sản phẩm giàu đạm như thịt, cá… dễ bị ôi thiu, mốc, hỏng, nếu bảo quản không tốt.
Hiện nay thị trường rất đa dạng, phong phú, vào ngày mùng 1, 2 Tết, các cơ sở kinh doanh đã có thực phẩm tươi sống để bán nên người dân không nhất thiết tích trữ quá nhiều thực phẩm và “đừng biến tủ lạnh thành kho lưu trữ thực phẩm lâu dài”. Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo.