Luật mới buộc ký hợp đồng lao động với 'ôsin'

Theo quy định trong Bộ luật Lao động mới, người dân khi thuê người giúp việc nhà cũng phải ký hợp đồng. Điều này giúp bảo vệ quyền lợi cho người giúp việc tốt hơn, đồng thời cũng gắn trách nhiệm của họ với công việc của mình. Tuy nhiên, do hiện nay chưa có văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành chi tiết, nên dư luận bày tỏ ái ngại về tính khả thi của Luật.

 

Người giúp việc được bảo vệ tốt hơn


Bắt đầu từ 1/5, quyền và lợi ích của người lao động giúp việc nhà được điều chỉnh bởi Bộ Luật mới. Cụ thể, Luật quy định chủ sử dụng và người giúp việc nhà phải ký hợp đồng bằng văn bản. Bà Nguyễn Diệu Hồng (Vụ Bình đẳng giới - Bộ LĐ-TB&XH) chia sẻ, Bộ luật Lao động sửa đổi đã quy định người giúp việc nhà và gia chủ phải ký hợp đồng bằng văn bản. Trong hợp đồng nêu rõ tên, địa chỉ, nơi làm việc, thời gian, chế độ nghỉ... của người lao động.


Người giúp việc cũng cần phải có chứng chỉ học nghề.


Tuy nhiên, với đa phần cả người giúp việc lẫn người sử dụng lao động quy định này còn nhiều lạ lẫm đối với họ. Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng (GFCD) thì có tới 42,5% số phụ nữ làm nghề giúp việc được hỏi có xuất thân từ nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Phần lớn trong số họ có trình độ học vấn thấp, với 28% số người không biết chữ. Điều này khiến nhận thức của lao động giúp việc còn nhiều hạn chế.


Một vấn đề khác, theo TS Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc GFCD, trong Bộ luật Lao động sửa đổi vẫn chưa đề cập tới một số vấn đề như nghỉ phép năm, đăng ký sử dụng người giúp việc, các quy định liên quan đến chế độ thai sản cho người giúp việc. Đồng thời, hiện nay chưa có tổ chức hiệp hội đại diện cho người giúp việc nên trước mắt cần nhanh chóng triển khai việc cung cấp các số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ tư vấn và hỗ trợ bảo vệ quyền lợi cho người giúp việc.

 

Cần tính đến yếu tố đặc thù


Mặc dù đã có quy định như vậy, nhưng hoạt động đào tạo, giới thiệu việc làm cho người giúp việc gia đình còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, khung pháp lý lại chưa chi tiết khiến quyền lợi của người giúp việc gia đình và chủ sử dụng bị ảnh hưởng.


Bà Nguyễn Diệu Hồng (Vụ Bình đẳng giới - Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng cần phải xem xét thấu đáo hơn xung quanh vấn đề ký hợp đồng với người giúp việc. Chẳng hạn, trong hợp đồng phải ghi rõ địa điểm làm việc, vì người giúp việc nhà không chỉ làm việc trong gia đình mà có thể còn đưa trẻ đi học, chăm sóc người bệnh tại bệnh viện. Mặt khác, loại hình giúp việc nhà và thời gian làm việc có những đặc thù nhất định. Hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội còn phổ biến hình thức giúp việc theo giờ, người giúp việc không ở chung với chủ nhà.


Bên cạnh việc chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện những quy định trong Bộ luật Lao động về nội dung liên quan đến nghề giúp việc, còn có một vướng mắc khác là hiện nay giúp việc nhà chưa được công nhận là một nghề chính thức trong danh mục nghề quốc gia. Hiện nay, ngoài ngành công an quản lý đối tượng này về đăng ký tạm trú thì không có tổ chức nào quản lý lao động giúp việc nhà, chưa có quy định buộc các trung tâm giới thiệu việc làm phải chịu trách nhiệm về người giúp việc các trung tâm đã môi giới.


Hoạt động đào tạo cho đội ngũ lao động này hiện chưa được chú trọng. Trên thực tế, các trung tâm giới thiệu việc làm hiện nay đa phần chạy theo lợi nhuận. Các trung tâm này mới tập trung dạy nghề cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.


Vì thế, để giải quyết được các khúc mắc nêu trên, xã hội cần coi giúp việc nhà là một nghề thực sự, đồng thời hướng tới việc bắt buộc lao động giúp việc nhà phải có chứng chỉ học nghề, tăng cường vai trò quản lý của nhà nước đối với nghề này.


Bài và ảnh: Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN