Vùng vẫy thoát nghèo
Con đường quốc lộ 22 chiều muộn ngày 14/2 dòng người ken dày đổ về trung tâm thành phố. Tại vòng xoay An Sương (quận 12), một nhóm bạn trẻ độ tuổi từ 16-18 đang mặc cả xe ôm về quận 8. Có vẻ dạn dĩ nhất nhóm, Nguyễn Thị Thuý nhà ở xã Tân Lập, huyện Tân Biên (Tây Ninh) cho biết cả nhóm đang đi xin công việc thợ may ở một cơ sở gia công bên quận 8.
"Tụi em nhà gần nhau ở xã biên giới giáp ranh với Campuchia chú à. Đứa nào cũng nghỉ học sớm, gia đình đông con lại khó khăn mà ở trên đó rất ít công việc nên rủ nhau xuống thành phố kiếm việc làm. Con xuống đây mấy lần rồi nên cũng hơi quen, nhưng các bạn con đứa nào cũng xuống lần đầu nên lo nhiều lắm", Thuý cho biết.
Tại Bến xe miền Đông, vừa bước xuống xe sau một cuộc hành trình dài bắt đầu từ tỉnh Bình Định, gia đình chị Trần Phương Hà ở huyện Hoài Nhơn vẫn chưa hết vẻ mệt mỏi trên gương mặt khắc khổ. Đây là năm thứ 5 cả gia đình chị bỏ lại sau lưng mẹ già đau yếu và 2 sào ruộng oằn khô vào thành phố lập nghiệp.
Bỏ quê lên thành phố kiếm việc làm tăng thu nhập là khát khao của rất nhiều người lao động nhập cư |
"Tụi chị thuê một căn phòng nhỏ chỉ hơn 10m2 có giá 800.000 đồng/tháng ở tận quận Gò Vấp. Hàng ngày từ sáng sớm tinh mơ gia đình chị 4 người đã đi làm và tối mịt mới về là lăn ra ngủ. Chị và đứa nhỏ nhất đi bán hàng rong và vé số. Ông xã và thằng con lớn đi làm thợ hồ, rảnh thì đi phụ quán nhậu. Tuy cực mà có ít tiền còn hơn bám mãi sống ở quê chật vật", chị Hà tính toán.
Nguy cơ "Nông thôn hoá thành thị"
Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh, tình trạng việc làm và thu nhập thấp, thiếu bền vững đang khá phổ biến của người lao động nhập cư. Hầu hết các trường hợp khảo sát đều có mức thu nhập trên ngưỡng nghèo và cận nghèo khi có đến khoảng 24% thu nhập của họ thường được gửi về quê để chăm lo cho con cái và người thân. Mặc dù việc sử dụng điện thoại di động và internet, tivi là khá phổ biến nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy hầu hết người nhập cư vẫn thiếu các thông tin về quyền và lợi ích của mình tại nơi cư trú; hòa nhập cộng đồng kém, ít cơ hội tham gia các sinh hoạt cộng đồng nên khó tiếp cận những thông tin về các chính sách an sinh xã hội...
Theo các chuyên gia kinh tế, di cư và công nghiệp hóa, đô thị hóa đang là một quá trình tất yếu trong phát triển. Chỉ tính trong 5 năm qua đã có gần 7 triệu người di cư trên cả nước, tăng 50% so với giai đoạn 1994-1999, trong đó hai khu vực có lượng người dân di cư lớn nhất là Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung và vùng đồng bằng sông Cửu Long (chiếm gần 60%). Nếu các tỉnh vùng Tây Nguyên là điểm đến chính của người di cư từ sau năm 1975 và cao trào là giai đoạn 1994-1999, thì hiện khu vực tiếp nhận nhập cư lớn nhất là vùng Đông Nam bộ (chiếm 61% lượng người di cư đến).
"Mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ lao động nông nghiệp chỉ ở mức 30-35% (hiện nay đang là 50%) và đến năm 2030 tỷ lệ này chỉ còn 15%. Như vậy có thể thấy xu hướng di dân từ nông thôn ra thành thị phù hợp với “quy hoạch” cơ cấu lao động và việc làm cả trong ngắn hạn lẫn lâu dài của Chính phủ. Tuy nhiên chúng ta cũng cần phải có giải pháp kinh tế ngăn chặn dòng người ồ ạt di cư vào thành phố một cách vô điều kiện, đặc biệt là lao động trình độ thấp. Vì nếu chúng ta không có giải pháp hữu hiệu sẽ làm cho chất lượng cư dân thành phố rất dễ dẫn đến tình trạng quá tải hoặc nông thôn hóa", TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định.