Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hiền, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Pá Hu, xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu, Yên Bái, chia sẻ: “Trường có 448 em học sinh, trong đó có 323 em ở bán trú. Trong năm học, nhà trường tăng gia nuôi lợn, ngan, gà, trồng rau, để cải thiện bữa ăn cho các em. Năm nào nhà trường cũng để dành một con lợn mổ liên hoan chia tay các em trước khi về nhà đón Tết. Các thầy cô giáo, mỗi người cũng đóng góp một ít để mua nguyên liệu về cho các em gói bánh chưng. Chỉ là hoạt động nhỏ thôi, nhưng các em rất thích, càng ngày càng gắn bó với trường lớp hơn”.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hiền, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Pá Hu trao quà Tết cho học sinh. |
Với Trường PTDTBT Tiểu học và THCS xã Trạm Tấu, thầy Nguyễn Duy Tiến cho biết: “Trong chuồng của trường không còn lợn, nhưng các thầy cô cũng đã bàn nhau, sẽ chung tiền để mua một con lợn về làm tiệc liên hoan chia tay các em, thầy cô về nhà ăn Tết; hoặc là chỉ tổ chức buổi sinh hoạt toàn trường, trong đó có tiệc ngọt, múa hát mừng xuân và thi các trò chơi truyền thống… Nhưng do ngân quỹ eo hẹp nên việc này cũng hơi khó khăn, bởi số học sinh ở 2 cấp của trường khá đông với 434 em học sinh, trong đó có 300 em ở bán trú”.
Trường PTDTBT Tiểu học và THCS xã Trạm Tấu trao quà Tết cho học sinh. |
Nhà trường cũng sẽ trích một phần quỹ tích lũy từ tiền bán lợn, gà, vườn rau của học sinh và giáo viên cùng tăng gia sản xuất để có một phần quà Tết nhỏ cho hơn 200 học sinh con hộ nghèo của trường. Quà cũng không có gì nhiều chỉ là ít kẹo, bánh, quần áo, giày dép nhưng là nguồn động viên lớn đối với các em; là động lực, niềm tin để ra Tết các em trở lại trường, lớp. “Số tiền trích ra để mua quà và liên hoan cho học sinh trước khi nghỉ Tết là quỹ lao động, sản xuất của học sinh, sau khi đã cải thiện bữa ăn cho học sinh, trừ tiền mua giống cây, con”, thầy Tiến giải thích thêm.
Hiệu trưởng Nguyễn Duy Tiến tặng quà Tết cho học sinh nghèo của trường. |
Còn Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ (Lai Châu) Trần Thị Hằng cũng đã lên kế hoạch chu đáo cho chương trình tổ chức Tết của trường. Mặc dù là năm đầu tiên trường tổ chức bán trú, cũng là lần đầu tổ chức ăn Tết cho học sinh, nhưng chương trình cho buổi chia tay năm cũ của Hiệu trưởng Hằng khá chi tiết: Chiều 24 tháng Chạp sẽ tổ chức buổi tất niên để ngày 25 các con về ăn Tết với gia đình. Ngoài ra, còn tổ chức thi múa hát và các trò chơi dân gian; tổ chức gói bánh chưng, muối dưa, hành để các con hiểu hơn về ý nghĩa của Tết Nguyên đán. “Tôi đã được đi dự nhiều buổi tất niên cho học sinh bán trú ở nhiều trường khác nhau nhưng năm nay lần đầu tiên tổ chức ở trường nên rất lo lắng và hồi hộp”, Hiệu trưởng Trần Thị Hiền tâm sự.
Các tiết mục văn nghệ của học sinh Trường Trạm Tấu chào xuân Bính Thân. |
Hoạt động múa hát không chỉ diễn ra trong ngày đón năm mới, mà là hoạt động thường xuyên ở Trường Trạm Tấu. |
Những đồng quà, tấm bánh tuy nhỏ, nhưng có tác động không hề nhỏ tới học sinh và cha mẹ các em. Bố mẹ học sinh ngày càng tin tưởng giáo viên, khuyến khích các em đến trường. Mấy năm gần đây, các thầy cô giáo đã không còn phải vất vả đi vận động học sinh ra lớp sau Tết hay nghỉ hè nữa, thế nên tỷ lệ học sinh đến trường ở các trường vùng cao luôn đạt trên 97 - 98%, ở cấp tiểu học là gần 100%.