Mạo danh cả lực lượng phòng chống tội phạm mạng
Mới đây, Công an quận Tây Hồ đã tiếp nhận thụ lý đơn tố giác của bà T (sinh năm 1947) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đơn trình báo, bà T nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an quận Hoàn Kiếm, nói bà đang nợ ngân hàng 63 tỷ đồng. Sau đó, đối tượng yêu cầu bà chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng để xác minh. Do lo sợ, bà T đã chuyển khoản 6 lần với tổng số tiền là gần 18 tỷ đồng cho đối tượng. Sau đó, bà P biết mình bị lừa, nên đã cơ quan Công an trình báo.
Trong các bản thông báo cảnh từ Cục An toàn thông tin, hình thức lừa đạo mạo anh là công an, học viên cảnh sát… để hỗ trợ lấy thông tin lừa đảo. Trên mạng xã hội, tài khoản mạo danh "Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và xử lý điều tra – trực thuộc Bộ Công an" vẫn đang phát clip cắt ghép nội dung, hình ảnh giả mạo một phóng sự của Truyền hình An ninh nhân dân - ANTV, nhằm tiếp tục lừa chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân từng bị lừa đảo thông qua thủ đoạn cơ quan chức năng hỗ trợ lấy lại tiền. Để tạo lòng tin và tăng tính thuyết phục, nhóm đối tượng lừa đảo còn đăng tải thông tin đã có gần 70.000 khiếu nại được gửi tới nhờ hỗ trợ.
Chuyên gia Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS) nhận xét: Các thông tin lừa đảo hay "fake news" có nguyên tắc chung là sẽ dựa trên các câu chuyện hoặc sự kiện nào đó đã xảy ra, đưa thêm các thông tin mang tính dẫn dắt, định hướng nhằm lừa đảo hoặc gây hoang mang.
“Clip lừa đảo mạo danh này dựa trên vụ việc gần đây Công an Hà Nội triệt phá một vụ án và có đăng thông báo ai là nạn nhân của vụ việc thì liên hệ với công an để giải quyết. Dựa vào thông tin này, các đối tượng lấy hình ảnh của truyền hình Việt Nam nhưng lại dùng công cụ đọc văn bản thành giọng nói để chèn nội dung giả mạo vào nhằm lừa đảo, trục lợi”, ông Vũ Ngọc Sơn cho hay.
Điều đáng lo là các tài khoản mạo danh Bộ Công an cùng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ này như Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao – A05, cổng thông tin điện tử Bộ Công an để lừa đảo khá phổ biến, thậm chí các đối tượng còn mặc trang phục công an để tăng tính thuyết phục, mua quảng cáo để các thông tin giả mạo tiếp cận được nhiều người dùng mạng xã hội tại Việt Nam.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) và A05 của Bộ Công an đã nhiều lần cảnh báo về thủ đoạn tạo website, tài khoản mạng xã hội mạo danh cơ quan chức năng lừa chiếm đoạt tiền của người dân. Gần đây, Bộ Công an đã phát cảnh báo về việc cổng thông tin điện tử của Bộ bị các đối tượng lừa đảo mạo danh. Cơ quan này cũng khuyến nghị người dân thận trọng khi sử dụng các nguồn thông tin không chính thức, mạo danh Bộ Công an; tuyệt đối không nghe theo, không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo dịch vụ “tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ lấy lại tiền bị treo”, “thu hồi tiền lừa đảo”...
Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia chỉ rõ: Hoạt động lợi dụng không gian mạng tiến hành phạm tội, nổi bật là lừa đảo trực tuyến gia tăng cả về phạm vi, quy mô với thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng triệt để lợi dụng công nghệ mới nhất là trí tuệ nhân tạo (AI), gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD mỗi năm trên toàn cầu.
Liên tục thay đổi phương thức, công nghệ mới
Tại Việt Nam, trong năm ngoái, các đối tượng tội phạm mạng trong và ngoài nước liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, triệt để lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, đe dọa cuộc sống của người dân.
Cũng theo Thượng tướng Lương Tam Quang, phương thức, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng lừa đảo rất tinh vi, sử dụng công nghệ deepfake giả mạo người thân hoặc cơ quan chức năng gọi điện; kêu gọi đầu tư qua các sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo, chứng khoán. Đối tượng mà tội phạm lừa đảo qua mạng hướng tới chủ yếu là nhóm người cao tuổi, sinh viên, người lao động có công việc không ổn định, thu nhập thấp, thậm chí là cả trẻ em.
“Đây là những người sử dụng điện thoại thông minh, có điều kiện tham gia môi trường mạng nhưng khả năng nhận thức các dấu hiệu, hành vi lừa đảo còn thấp, dễ bị lợi dụng sự cả tin, lòng tham để thực hiện hành vi lừa đảo”, Thượng tướng Lương Tam Quang cho biết.
Trung tá Vũ Trọng Nghĩa, Phó trưởng Phòng 5, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05 - Bộ Công an) cho biết, hiện nay hằng ngày, hằng giờ các đối tượng lừa đảo liên tục nghiên cứu để tích hợp và phát triển những thủ đoạn lừa đảo mới, gây khó khăn cho người dân trong việc nhận diện và phòng tránh lừa đảo.
Đề cập đến hình thức lừa đảo mạo danh cơ quan chức năng, Trung tá Vũ Trọng Nghĩa đánh giá, thủ đoạn này ‘rộ’ lên từ đầu năm 2024 cho đến nay. Cùng với việc phân tích các lý do dẫn đến tình trạng các đối tượng công khai mạo danh cơ quan chức năng, đại diện phòng 5 của A05 cũng cho biết Cục An ninh mạng đang phối hợp với Cục An toàn thông tin của Bộ TT&TT để rà quét những tài khoản mạng xã hội mạo danh các đơn vị chức năng, không chỉ riêng Bộ Công an, Cục An ninh mạng, mà cả các văn phòng luật sư, cơ quan Nhà nước khác.
Để ứng phó với các hình thức lừa đảo trực tuyến, trong đó có lừa đảo mạo danh, các chuyên gia Cục An toàn thông tin khuyến nghị, điều quan trọng là người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai thông qua bất kể hình thức nào, bởi việc lộ lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại. Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, người dân không giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính. Đặc biệt, những người từng bị lừa đảo tài chính, cần cẩn trọng trước các website, hội nhóm mạng xã hội liên tục chạy quảng cáo, mời chào dịch vụ hỗ trợ lấy lại tiền đã mất.
Trung tá Vũ Trọng Nghĩa, Phó trưởng Phòng 5, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05 - Bộ Công an), nhận định, thời gian gần đây, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn ra hết sức phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn.
Bộ Công an đã phối hợp với Bộ TT&TT xây dựng các phương án, kịch bản để tuyên truyền cảnh báo người dân. Cụ thể, đã tổng hợp 24 hình thức lừa đảo phổ biến trên không gian mạng Việt Nam, phổ biến rộng rãi từ cuối năm 2023 đến nay nhằm giúp người dân có thể nhận diện và biết cách phòng chống với các phương thức lừa đảo trực tuyến.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, từ 24 phương thức, thủ đoạn lừa đảo trực tuyến phổ biến, các đối tượng đang hằng ngày, hằng giờ tiếp tục nghiên cứu để tích hợp và phát triển ra các thủ đoạn lừa đảo mới, khiến cho người dân gặp nhiều khó khăn trong việc nhận diện và phòng tránh.
Khẳng định tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức cho người dân là yếu tố, biện pháp quan trọng nhất để giải quyết tình trạng lừa đảo trực tuyến, Trung tá Vũ Trọng Nghĩa cho hay, mới đây, A05 đã xây dựng trang fanpage của Cục lấy tên là 'Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao".
“Thông qua nền tảng mạng xã hội, hàng ngày Cục An ninh mạng sẽ tuyên truyền cho người dân về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo, đồng thời phối hợp với các đơn vị truyền thông liên quan để xây dựng kịch bản nội dung, với mục tiêu làm sao để phổ biến những kiến thức phòng ngừa các thủ đoạn của tội phạm lừa đảo một cách dễ hiểu, hiệu quả”, Trung tá Vũ Trọng Nghĩa chia sẻ.
Song song đó, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đang phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng phần mềm chống lừa đảo cho người dân. Bên cạnh việc cung cấp công cụ hỗ trợ người dân phát hiện các dấu hiệu lừa đảo trên không gian mạng, phần mềm này còn giúp người dân nhận diện tội phạm lừa đảo, góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng an toàn, an ninh mạng cho người dân.
“Dự kiến, phần mềm sẽ sớm được đưa lên các chợ ứng dụng để người dân có thể tải và cài trên các thiết bị thông minh. Với việc tích hợp dữ liệu về phòng chống tội phạm lừa đảo của các bộ, ngành có liên quan, trong đó có Bộ Công an, Bộ TT&TT và Ngân hàng Nhà nước, ứng dụng sẽ thông tin đến người dùng những kiến thức giúp nhận diện các hình thức lừa đảo, các nguy cơ bị lừa đảo, tấn công trực tuyến trên không gian mạng”, Trung tá Vũ Trọng Nghĩa thông tin.