Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi theo tuổi chung của trẻ em dưới 5 tuổi là 35,4% và tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 21,3%; tỷ lệ này có xu hướng giảm dần khi trình độ học vấn của mẹ, người chăm sóc trẻ tăng và tăng dần theo số con của mẹ.
Ngày 12/3, Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế đã phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu mối liên quan giữa vệ sinh môi trường, nguồn nước hộ gia đình và hành vi vệ sinh chăm sóc trẻ em của bà mẹ với tình trạng dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi tại Việt Nam.
Ông Trần Thành Đô, Chuyên gia tư vấn Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Đến nay, các nghiên cứu về mối liên quan giữa suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi với yếu tố vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch và kiến thức, thực hành của người chăm sóc trẻ về vệ sinh cá nhân cho trẻ chưa được nghiên cứu đầy đủ. Chính vì vậy, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã tiến hành điều tra về tình trạng vệ sinh môi trường, nguồn nước hộ gia đình và hành vi chăm sóc trẻ của 3.356 trẻ dưới 5 tuổi đã được cân đo tại 72 xã thuộc 6 tỉnh: Nam Định, Điện Biên, Hà Tĩnh, Kon Tum, Ninh Thuận và An Giang.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Kết quả điều tra cho thấy: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi theo tuổi chung của trẻ em dưới 5 tuổi là 35,4% và tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 21,3%; tỷ lệ này có xu hướng giảm dần khi trình độ học vấn của mẹ, người chăm sóc trẻ tăng và tăng dần theo số con của mẹ. Điều kiện nguồn nước ở các địa bàn điều tra không đồng đều và còn nhiều khó khăn với 15,1% số gia đình hiện vẫn đang sử dụng nước suối, ao, hồ làm nguồn nước chính cho ăn uống và sinh hoạt; 4,6% và 15,3% nguồn nước có nguy cơ ô nhiễm cao và rất cao. Đặc biệt, nhiều bà mẹ và người chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết và không thực hiện các hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh trong chăm sóc trẻ. Cụ thể là: 23,8% bà mẹ (người chăm sóc trẻ) thỉnh thoảng mới rửa tay; 14,9% rửa tay bằng xà phòng sau khi đổ bô và rửa cho trẻ; 41,2% bà mẹ (người chăm sóc trẻ) không xử lý đúng phân của trẻ như: đổ cho chó lợn ăn, đổ ra vườn, đổ ra đồng, sông...
Đặc biệt, kết quả phân tích cho thấy có mối liên quan thực sự giữa tình trạng duy dinh dưỡng của trẻ với 2 yếu tố là: gia đình (nhà ở chật chội thiếu thông thoáng, sử dụng nguồn nước ăn uống không hợp vệ sinh, không có nhà tiêu hoặc nhà tiêu không hợp vệ sinh) và cá nhân người chăm sóc trẻ (không rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chế biến thức ăn, không vệ sịnh vú ngay trước khi cho trẻ bú...). Chính vì vậy, để giảm được tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ, người dân phải thực hiện những việc như: Tất cả các hộ gia đình đều sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, nhà tiêu hợp vệ sinh và tất cả các bà mẹ (người chăm sóc trẻ) đều rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ.
Nghiên cứu, điều tra về thị trường vệ sinh tại Việt Nam, PGs.Ts Trịnh Hữu Vách, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng cấp nước và vệ sinh môi trường, Đại học Y Thái Bình nêu rõ: có tới hơn 1/3 số người được hỏi không biết đến bất kỳ loại nhà tiêu nào là hợp vệ sinh; 27,4% đối tượng được phỏng vấn không biết bất kỳ một bệnh nào có thể là hậu quả của việc tiếp xúc với phân người; 73,9% hộ không có nhà tiêu mà đi vệ sinh ở vườn, rừng, ngoài cánh đồng...
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều kiến nghị nhằm cải thiện vệ sinh môi trường tại Việt Nam như: Có chính sách hỗ trợ gia đình nghèo có con suy dinh dưỡng, tập trung vào vùng đồng bào dân tộc; nghiên cứu và xây dựng thêm mô hình tiếp thị vệ sinh, phù hợp với vùng miền và mức sống của giám sát, theo dõi việc xây dựng, sử dụng nhà tiêu; tư vấn để người dân biết lựa chọn loại nhà tiêu phù hợp với điều kiện địa lý của địa phương về điều kiện kinh tế gia đình; hướng dẫn các bà mẹ (người chăm sóc trẻ) biết và thường xuyên thực hiện các hành vi môi trường, vệ sinh cá nhân và vệ sinh cho trẻ; có cơ chế giám sát theo dõi việc xây dựng, sử dụng nhà tiêu; đề xuất các chính sách khuyến khích như thưởng, phạt khi người dân vi phạm các quy định của Nhà nước theo định hướng phát triển nông thôn mới; cải thiện chất lượng truyền thông nhằm làm rõ tác dụng của việc sử dụng nhà tiêu, nước sạch và cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân đối với sức khỏe của người dân.
Thu Phương