Các tỉnh Trung, Nam Trung Bộ đang hứng chịu trận lũ lịch sử với hậu quả là 24 người chết, 10 người mất tích, 16 người bị thương, gần 98.500 ngôi nhà bị ngập, sập...
Lũ nhiều sông ở mức kỷ lục
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong 3 ngày qua, khu vực miền Trung (từ Quảng Trị trở vào) và Tây Nguyên có mưa to đến rất to; lượng mưa phổ biến từ 300 - 500 mm. Một số nơi có lượng mưa lớn hơn 500 mm như: Huế (Thừa Thiên - Huế) 520 mm, Cẩm Lệ (Đà Nẵng) 563 mm, Ba Tơ (Quảng Ngãi) 870 mm, Minh Long (Quảng Ngãi) 912 mm... Ngay sau khi liên tiếp hứng chịu các trận bão và áp thấp trong thời gian, nay miền Trung lại có mưa lớn nên lũ các sông lên rất nhanh.
Chuyển mì tôm và nước uống cứu trợ nhân dân vùng lũ xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Nguyễn Đăng Lâm - TTXVN |
Lũ trên hầu hết các sông đạt và vượt báo động 3; ở một số sông, nước lũ đạt mức kỷ lục. Cụ thể: lũ tại sông Vệ tại trạm Sông Vệ trên mức báo động 3 là 1,53 m, cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1999 tới 0,04 m; lũ trên sông Ba tại An Khê trên báo động 3 tới 3,67 m, cao hơn đỉnh lũ năm 1981 tới 1,67 m. Từ tối qua, các vùng ngập lụt ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên đã giảm dần. Lũ trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến bắc Khánh Hòa xuống mức báo động 1, một số nơi còn trên báo động 1.
Các tỉnh ven biển từ Quảng Nam đến Phú Yên đã sơ tán, di dời 19.349 hộ/78.395 người dân các vùng ven sông, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, trũng thấp đến nơi an toàn; trong đó, Quảng Nam có 4.355 người, Quảng Ngãi gần 67.000 người, Phú Yên trên 7.000 người... |
Hiện các hồ chứa lớn ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên đều đạt trên 80% dung tích thiết kế trở lên. Nhiều hồ như: Phú Ninh, Vĩnh Trinh, Vạn Hội, Thuận Ninh, Yan Ha, Sông Quao, Cam Ranh... đang phải xả tràn. Trong ngày hôm qua, cũng có 6 hồ thủy điện xả tràn, trong đó có 6 hồ xả với lưu lượng lớn hơn 400 m3/s.
Nhiều xã ngập sâu, giao thông chia cắt
Theo ông Vũ Xuân Thành, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên tính đến ngày hôm qua, tình hình ngập lụt vẫn diễn ra khá nghiêm trọng. Cụ thể, Quảng Ngãi không còn xã nào bị cô lập, nhưng nhiều xã tại lưu vực các sông Vệ, Trà Khúc, Trà Câu, Trà Bồng vẫn bị ngập sâu. Tỉnh Bình Định cũng bị ngập trên diện rộng. Toàn tỉnh có 98.904 nhà (trên 41 xã/10 huyện) bị ngập. Trong đó, huyện Tuy Phước bị ngập 80% diện tích với 36.000 nhà/45.000 người. Nhiều xã bị nước lũ chia cắt, cô lập. Mưa lớn còn gây ra lũ quét tại huyện An Lão. Toàn bộ hệ thống đê Đông bị ngập, độ sâu trung bình là 0,5 m, chỗ ngập sâu nhất l m. Riêng Phú Yên, nước lũ cơ bản đã rút.
Nhà ông Nguyễn Thoại bị sập do mưa lũ gây ra tại thôn Bắc An, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng.Trần Lê Lâm - TTXVN |
Lũ lớn cũng khiến cho một số đoạn trên tuyến quốc lộ 1A thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam bị ngập. Tại tuyến đường ĐT616 tại km45 đoạn qua xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My bị sạt 3 điểm với khối lượng lớn; km58 đoạn qua địa bàn xã Trà Tân bị sạt lở khoảng 500 m3. Tuyến đường Trà My - Trà Bồng đoạn qua địa phận xã Trà Giang cũng bị sạt lở một điểm với khoảng 400 m3. Tại huyện Nam Giang có 3 cầu treo bị đứt.
Còn tại Bình Định, tuyến đường nối quốc lộ 1A đến sân bay Phù Cát bị tắc do ngập nước, các tuyến bay từ Quy Nhơn bị đình trệ. Tại Cầu Gành, nước chạm đáy dầm, cầu có nguy cơ bị sập nếu nước tiếp tục dâng cao. Còn tại cầu Bình Định, mố phía nam bị xói lở mạnh và đứt đường dẫn lên cầu dài 50 m. Quốc lộ 1D ngập sâu tại ngã ba Long Vân, hồ Phú Hòa. Quốc lộ 19 ách tắc giao thông từ Quy Nhơn đi huyện Tây Sơn và tỉnh Gia Lai bị ách tắc nhiều đoạn.
Huy động lực lượng tại chỗ
Ngày 17/11, Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi đã huy động hàng trăm đoàn viên thanh niên, sinh viên các trường đại học trên địa bàn dọn vệ sinh các trường học, trạm y tế, bệnh viện bị ngập lụt trong ba ngày qua với phương châm nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Sở Y tế đã cử 3 đoàn công tác về các địa bàn bị ngập nặng, chỉ đạo y tế huyện, y tế xã cấp thuốc khử khuẩn và hướng dẫn nhân dân xử lý xong hơn 2.000 giếng nước. Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cũng đã đưa về các địa phương 64 cơ số thuốc, 30.000 viên Chlorammin T và hơn 130 nghìn viên Aquatabs.
Các ngành chức năng tỉnh Bình Định đã nỗ lực khắc phục hậu quả lũ lụt theo phương châm “nước rút tới đâu, khắc phục tới đó”. Tối 17/11, quốc lộ 1 qua tỉnh Bình Định đã được thông tuyến. Điểm sạt lở tại tuyến đường dẫn đầu cầu Bình Định, thuộc phường Bình Định (thị xã An Nhơn) đã được đổ đá lấp đầy. Đơn vị thi công đang nỗ lực để thông xe trong thời gian sớm nhất. Trong thời gian đó, xe lưu thông qua đoạn đường này được đi vào tuyến nội thị thị xã An Nhơn. Trước đó, các điểm sạt lở gây ách tắc trên tuyến quốc lộ 19 tại đèo An Khê cũng đã được Khu quản lý đường bộ 5 khắc phục xong. Trong ngày, Công ty Điện lực Bình Định cũng đã cung cấp điện trở lại cho hàng loạt khu dân cư và khu, cụm công nghiệp. Hơn 90% địa bàn nước lũ rút đã được cấp điện trở lại.
Các lực lượng vũ trang trong tỉnh Quảng Nam đã huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ về các địa phương để tham gia công tác giúp đỡ nhân dân, trước mắt là di chuyển người dân từ những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, tiếp tế lương thực, nước uống cho nhân dân.
Huyền Tím - TTN