Các tỉnh miền Trung đang khẩn trương triển khai phương án ứng phó bão Hải Yến (Haiyan) - cơn bão được đánh giá là có cường độ mạnh nhất trong lịch sử, sẽ đi vào Biển Đông và đổ bộ vào miền Trung nước ta. Dự báo đường đi của siêu bão Hải Yến. Nguồn: nchmf.gov.vn
|
Ngày 8/11, tại Hội nghị trực tuyến với các sở, ban ngành, đơn vị vũ trang và chính quyền các cấp, lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn không được chủ quan, khẩn trương triển khai các phương án phòng tránh siêu bão Hải Yến.
UBND các địa phương ven biển tiếp tục phối hợp với bộ đội biên phòng thành lập các tổ công tác xuống địa bàn tuyên truyền, vận động các chủ tàu, gia đình thuyền viên liên lạc và gọi tàu về bờ tránh bão. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, phối hợp với các địa phương, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi kiểm tra an toàn hồ chứa, đê điều. Bộ đội biên phòng, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Đài Duyên hải Quy Nhơn liên tục duy trì liên lạc với tàu thuyền đang hoạt động trên biển để thông báo diễn biến của bão, kêu gọi và hướng dẫn tàu thuyền vào bờ hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, hướng dẫn neo đậu an toàn trong bờ.
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan kiên quyết kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động ra khỏi vùng biển từ Bắc vĩ tuyến 8 đến Nam vĩ tuyến 16 và phía Đông kinh tuyến 112 trước 19 giờ ngày 8/11, tàu thuyền hoạt động ở vùng biển từ Bắc vĩ tuyến 10 đến Nam vĩ tuyến 20 về nơi trú tránh trước 19 giờ ngày 9/11; kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động ở ven biển, vùng cửa sông và thực hiện nghiêm túc lệnh cấm biển; di chuyển và có biện pháp đảm bảo an toàn hồ nuôi tôm cá, lồng nuôi tôm trên biển và lồng nuôi cá biển khi bão Hải Yến vào biển Đông. Các đơn vị chức năng rà soát, sơ tán dân vùng ven biển, cửa sông, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Công tác sơ tán dân các làng ven biển tới các nhà, công trình kiên cố cách bờ biển 500m phải hoàn thành trước 19 giờ ngày 8/11; đồng thời, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức trực ban 24/24h, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng chống bão, lũ. Hiện tổng số tàu thuyền của Bình Định di chuyển đánh bắt trên các ngư trường là 7.345 tàu với 42.2 người.
Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các địa phương trong tỉnh tổ chức sắp xếp neo đậu an toàn cho 1.810 phương tiện, chằng chống lại để tránh va đập; kiên quyết ngăn chặn không cho tàu thuyền ra khơi hoạt động; chủ động rà soát việc sơ tán, di dời dân ở những vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ sạt lở núi, ven sông, ven biển và đầm phá. Vùng ven biển các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền và thị xã Hương Trà giúp dân chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây; đề phòng bão kết hợp với triều cường dâng cao nguy hiểm tính mạng và hủy hoại tài sản của người dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu cho biết: Hiện, các hồ chứa trong tỉnh đều đang đạt đỉnh. Tỉnh cho phép tăng mức xả lũ của hồ thủy điện Bình Điền lên 2.000m3/s; hồ thủy điện Hương Điền lên mức 3.000-3500m3/s; tuy nhiên phải xả chênh lệch nhau về thời gian là 30 phút và lưu lượng xả luôn nhỏ hơn lưu lượng nước đến hồ để tránh ngập lụt cục bộ cho vùng hạ du. Trường hợp mưa giảm, lưu lượng nước về các hồ chứa giảm thì giảm tương ứng lưu lượng xả để giảm mức nước đổ về hạ du các con sông Bồ và sông Hương.
Chủ động ứng phó với bão Hải Yến, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi có công điện khẩn gửi Chủ tịch UBND, và Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn 14 huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị, các ngành chức năng. Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh bám sát địa bàn được phân công phụ trách để kiểm tra, phối hợp chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống bão và mưa lũ. UBND và Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố khẩn trương tổ chức lực lượng, phương tiện, hỗ trợ nhân dân các địa phương thường xuyên bị ngập sâu, vùng ven biển, vùng sạt lở núi, ven biển, ven sông, các nhà không an toàn phải di dời, sơ tán đến các nhà, công trình kiên cố trước 17 giờ ngày 9/11.
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cảng vụ Quảng Ngãi tiếp tục phối hợp với các huyện ven biển, hải đảo khẩn trương kêu gọi tàu thuyền và hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền vào các khu neo đậu an toàn, kiên quyết không cho người ở trên tàu khi bão đến. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các huyện sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân khi có bão đổ bộ. Theo đó, có 54.050 hộ, với 216.000 nhân khẩu cần di dời, sơ tán khi có bão ảnh hưởng trực tiếp hoặc gây mưa, lũ lớn; trong đó, đặc biệt chú trọng 5.189 hộ, với 21.370 nhân khẩu có mức rủi ro cao trước ảnh hưởng của gió bão, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, hạ du công trình thủy điện, thủy lợi, vùng hạ lưu các sông tại các huyện. Các đơn vị chủ hồ chứa nước, các công trình thủy điện kiểm tra an toàn hồ chứa, chủ động mở cửa xả lũ theo phương án đã duyệt; các chủ hồ chứa phải đảm bảo thực hiện phương châm "4 tại chỗ".
Cùng với việc triển khai khẩn cấp công tác phòng, chống bão, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã chỉ đạo huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức tiếp tục huy động tại chỗ hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại do lốc gây ra tối 6/11 làm hư hỏng 61 ngôi nhà.