Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết sẽ mang lại tiềm năng rất lớn, tạo thêm nhiều việc làm trực tiếp và là động lực tạo ra nhiều cơ hội về việc làm thỏa đáng.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết chương trình quốc gia về việc làm thỏa đáng xác định ba ưu tiên gồm: Thúc đẩy việc làm bền vững và tạo môi trường thuận lợi cho các cơ hội kinh doanh bền vững; giảm đói nghèo thông qua việc mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội tới tất cả mọi người; xây dựng cơ chế quản trị thị trường lao động hiệu quả tuân thủ những nguyên tắc cơ bản và quyền trong lao động.
Chương trình quốc gia về việc làm thỏa đáng đã đạt được một số thành quả về xây dựng quan hệ lao động Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Bộ Luật Lao động năm 2019 đã cải thiện khung pháp lý về quan hệ lao động khi mở rộng vai trò của các tổ chức đại diện người lao động và người sử dụng lao động… Tuy nhiên, để đảm bảo việc làm thỏa đáng cho người lao động cần nhiều hơn thế, không chỉ là các quy định, chính sách lao động.
Ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn về quản lý kinh tế (Economica Vietnam) cho rằng Các hiệp định thương mại tự do mang lại tiềm năng rất lớn có thêm nhiều việc làm trực tiếp và là động lực tạo ra nhiều cơ hội về việc làm thỏa đáng hơn. Theo ông Lê Duy Bình, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu với 17 hiệp định tự do thương mại (FTA) đã ký kết và đang đàm phán 2 hiệp định FTA. Điều này không chỉ tạo ra thêm nhiều cơ hội việc làm mà còn có ý nghĩa rất lớn khi thay đổi tính chất việc làm của Việt Nam.
“Việc làm mới sẽ có những thay đổi về yêu cầu về kỹ năng nghề, tiêu chuẩn đối với cả người lao động và doanh nghiệp. Đây là thách thức rất lớn trong thời gian tới, đòi hỏi phải có những chiến lược mới trong chương trình việc làm thỏa đáng, Bên cạnh đó, vấn đề việc làm tại Việt Nam sẽ bị tác động lớn từ biến đổi khí hậu, dịch COVID-19 và sắp tới là nền kinh tế số” ông Lê Duy Bình nói.
Còn bà Trần Thị Hồng Liên, đại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: Gốc rễ của việc làm nằm ở việc phát triển các doanh nghiệp, trong đó thúc đẩy quá trình khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển. Do đó, Chính phủ có các chương trình chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đào tạo nâng cao kỹ năng cho lao động.