Hành vi bạo lực gia đình hiện nay xảy ra khá phổ biến, gây nhức nhối, bất bình trong dư luận. Mặc dù đã có Luật Phòng chống bạo lực gia đình nhưng chính quyền, đoàn thể cấp cơ sở ở nhiều nơi vẫn quan niệm đây là chuyện riêng của mỗi gia đình; nhiều trường hợp không muốn “vạch áo cho người xem lưng” nên việc phát hiện, xử lý còn gặp nhiều khó khăn.
Nhức nhối bạo hành gia đình
Tại hội thảo mới đây về mô hình Ngôi nhà bình yên (NBY) cho nạn nhân bị bạo hành gia đình, bà Lê Phương Thúy, Trưởng phòng tư vấn (Trung tâm Phụ nữ và Phát triển), đơn vị phụ trách NBY, cho biết, đơn vị đã tiếp nhận nhiều nạn nhân bạo lực gia đình, điển hình như bà NTD 55 tuổi (Thái Bình). Bà D kết hôn 22 năm, thì 21 năm chịu đựng sự bạo hành của chồng. Con gái bà từ nhỏ phải chứng kiến cảnh bố bạo hành mẹ, thậm chí ép buộc mẹ uống thuốc trừ sâu. Khi lớn lên, cô đã làm đơn gửi cấp chính quyền địa phương yêu cầu bảo vệ mẹ. Dù đã được tham vấn nhiều lần qua điện thoại, mãi tới tháng 5/2010, khi bị tai biến mạch máu não sau trận đòn của chồng, bà mới chấp nhận vào NBY. Tâm lý của bà D bị ảnh hưởng nặng nề, luôn căng thẳng, hoảng loạn. Đến cuối tháng 12/2010, bà D đã hồi gia, được tư vấn pháp lý để giải quyết sau ly hôn và bảo vệ quyền sở hữu tài sản.
Ảnh có tính chất minh họa. |
Còn NTT, nạn nhân của một vụ buôn bán người, cũng đã được đưa vào NBY từ cuối tháng 10/2010. NBY đã hỗ trợ T về nơi ăn ở, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý và học văn hóa. Đến nay T đã học xong lớp 12 và có nguyện vọng học ngành công tác xã hội để sau nay tham gia công tác truyền thông về phòng chống mua bán người tại địa phương. Mới đây, cháu H được mẹ tìm thấy và đưa đến NBY với trên 30 vết thương cả mới và cũ. Cháu H mới 3 tuổi rưỡi, chỉ được 11 kg và đã không được ở với mẹ từ khi cháu 20 tháng tuổi do mẹ cháu không chịu được bạo hành bị buộc rời khỏi nhà. Cháu H được đưa đến Viện Nhi Trung ương khám và điều trị tổn thương về thể chất (phát hiện 2 chiếc xương sườn của cháu đã gãy đang liền); đồng thời hỗ trợ về tâm lý, hành vi lứa tuổi. NBY đã phối hợp với cơ quan công an điều tra và tạm giữ người có liên quan đến việc bạo hành với cháu; hỗ trợ mẹ cháu H viết đơn đòi quyền nuôi con.
Cần nhân rộng
Bà Tạ Minh Lý, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý cho biết, vấn đề bạo hành gia đình vẫn có xu hướng gia tăng. Do đó, chúng ta nên xây dựng những trung tâm tiếp nhận những nạn nhân của bạo hành gia đình. Theo khảo sát sơ bộ, Hà Nội có khoảng 10 địa chỉ tạm lánh cho nạn nhân của bạo hành gia đình; bao gồm cả địa chỉ từ thiện như chùa Bồ Đề với 135 cháu đang được nuôi dưỡng tại đó. Hầu hết các địa chỉ này đều do những nhà hảo tâm thành lập. Thực tế từ NBY của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Nhà nước nên có những trung tâm lánh như NBY với sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để có kiểm soát những trung tâm này.
NBY được thành lập từ tháng 3/2007 và hiện duy trì hoạt động từ sự hỗ trợ một số tổ chức quốc tế và nhà hảo tâm. Đây được coi là địa chỉ tin cậy cho những trường hợp bị bạo hành gia đình của Hội Phụ nữ. Tính đến trung tuần tháng 6, NBY hỗ trợ 377 nạn nhân, trong đó 135 người là nạn nhân của các vụ buôn bán người trở về và 242 nạn nhân bị bạo lực gia đình; trong đó, trẻ em chiếm 30%. Hiện tại, NBY đang tiếp đón 37 người là nạn nhân của bạo lực gia đình và 20 nạn nhân của các vụ buôn bán người. |
Đối với những hành vi bạo hành gia đình, bà Lý cho rằng, khi có thông báo sự việc, cấp chính quyền sở tại phải áp dụng ngay các biện pháp bảo vệ nạn nhân như cách ly, cấm tiếp xúc và có những biện pháp hỗ trợ ban đầu. Ở các nước phát triển, họ đều có nhà tạm lánh cho nạn nhân của bạo hành gia đình; thậm chí như ở Philíppin, đối tượng bạo hành sẽ bị tạm giữ và buộc cách ly khỏi nhà. Trong khi đó, ở nước ta thì hầu hết nạn nhân bạo hành đều phải trốn khỏi nhà. Hiện nay, khi phát hiện các trường hợp bạo hành, chính quyền các cấp sẽ tiến hành tìm hiểu nguyên nhân, hòa giải, phỏng vấn sơ bộ và yêu cầu cam kết không tái phạm. Hình thức hòa giải sẽ không áp dụng đối với các vụ hình sự. Nếu không hòa giải được, sẽ tiến hành các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền lợi của nạn nhân.
Bà Thúy cũng cho biết, mô hình NBY lúc đầu hoạt động rất khó khăn do chưa có quy định của Nhà nước với hoạt động nhà tạm lánh cho đối tượng bị bạo hành gia đình. Nhưng đến nay, mô hình này đã được thừa nhận, là địa chỉ hỗ trợ đối tượng bị bạo hành cư trú. Tại đây, các nạn nhân được hỗ trợ về pháp lý, điều trị tâm lý. Sau khi tiếp nhận thông tin, NBY liên hệ với địa phương nơi nạn nhân cư trú, đề nghị cấp chính quyền sở tại nhanh chóng điều tra, xác minh; áp dụng các biện pháp bảo vệ nạn nhân khi họ trở về gia đình. Mô hình NBY là cơ sở để cơ quan chức năng mở rộng điểm tạm lánh cho nạn nhân của bạo hành gia đình; giúp họ hòa nhập cộng đồng.
Xuân Cường