90% xe tải chạy quá tốc độ
Tháng 5/2016, cả nước đã xảy ra 33 vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến ô tô khách, ô tô tải và xe chở container, làm chết 27 người và bị thương 83 người, trong đó có 5 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, mà nguyên nhân chính là do lái xe phóng nhanh, vượt ẩu, chạy lấn làn đường, nhằm chạy đua về thời gian để kịp quay vòng xe.
Kết quả thanh tra quản lý vận tải của Thanh tra Bộ GTVT từ đầu năm đến nay tại các tỉnh miền Trung cho thấy: Nhiều doanh nghiệp vận tải vi phạm về điều kiện kinh doanh và buông lỏng công tác quản lý lái xe. Không ít Sở GTVT địa phương chưa thực hiện kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô tại các đơn vị, cấp phép nhưng không có hậu kiểm. Đáng lo ngại là các doanh nghiệp vận tải không quản lý phương tiện, giao xe cho lái xe quản lý tất cả các khâu từ duy tu, bảo dưỡng, sử dụng phương tiện, khoán trắng phương tiện cho lái xe về hoạt động và doanh thu (tỷ lệ này chiếm tới 60% các đơn vị được kiểm tra), còn hàng tháng, các doanh nghiệp vận tải chỉ thu một khoản tiền bán thương hiệu.
Hiện trường vụ TNGT tại Quảng Ngãi ngày 3/5. |
Chưa hết, theo kiểm tra trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên xe vận tải tại các địa phương gửi về Tổng cục Đường bộ Việt Nam, số lái xe chạy quá tốc độ quy định 80 km/giờ cho phép trên đường chiếm tới 90%, thậm chí có trường hợp lái xe khách trong nửa tháng chạy vượt tốc độ đến hơn 900 lần, tốc độ chạy cao nhất tới gần 120 km/giờ...
Tai nạn chủ yếu là xe tư nhân quản lý
Anh Cao Bá Hùng, lái xe đường dài đã có hơn 20 năm kinh nghiệm của Công ty Du lịch lữ hành Hanoitourist khẳng định: “Mỗi lái xe chạy trên tuyến cố định cả chục năm, có thể thuộc từng khúc cua, ổ voi ổ gà, vị trí công an lập chốt kiểm tra... Do đó, ngoại trừ những điểm cần cảnh giác, lái xe mới giảm tốc độ, còn đa phần các lái xe phóng như ma đuổi để kịp “khoán”. Bài học xử lý tình huống an toàn lái xe ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng thuộc bài. Nhiều lái xe chỉ vì chủ quan, nên đã phải trả giá đắt...”.
Hành khách nếu phát hiện lái xe vi phạm, sử dụng rượu bia, phóng nhanh, vượt ẩu, lấn đường... cần lên tiếng để tự bảo vệ mình bằng cách yêu cầu lái xe giảm tốc độ, dừng xe, gọi điện thoại phản ánh vi phạm tới số điện thoại đường dây nóng của Cục CSGT Đường bộ 069.42608 hay các bến xe, đơn vị vận tải chủ quản tiếp nhận, xử lý. |
Theo đánh giá của lãnh đạo Cục CSGT đường bộ, công tác quản lý vận tải và lái xe hiện có quá nhiều tồn tại. Doanh nghiệp vận tải đa số là các doanh nghiệp tư nhân nhỏ, số lượng xe ít, chất lượng thấp. Phần lớn doanh nghiệp đều khoán thu nhập cho lái xe và phụ xe, nên đã gây áp lực, khiến lái, phụ xe chạy theo lợi nhuận, bất chấp tính mạng của người tham gia giao thông... 80% các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng đều do lái xe khách gây ra, trong đó chủ yếu là xe tư nhân quản lý. Theo phóng viên tìm hiểu được biết, ngoài những hãng xe lớn có uy tín, phần lớn các doanh nghiệp vận tải tư nhân nhỏ đều sử dụng đội ngũ lái xe "chạy sô". Thuê lái xe theo từng chuyến, từng đợt. Xong đợt nào trả tiền đợt đó, nếu lái xe vi phạm bị giữ giấy tờ xe thì hôm sau thuê người khác cầm lái tiếp. Chính hình thức quản lý lộn xộn này đã dẫn đến tình trạng thiếu trách nhiệm của đội ngũ lái, phụ xe.
Trong khi đó, tại các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe hiện nay chỉ tập trung đầu tư cơ sở vật chất, ít quan tâm đến chất lượng đào tạo lái xe về luật, lương tâm, đạo đức nghề nghiệp, nhất là kỹ năng xử lý các tình huống lái. Vì vậy, kỹ năng tay lái cũng như hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ hiện nay của đội ngũ lái xe chưa đáp ứng được các yêu cầu đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định, thực trạng lái xe phải chạy liên tiếp nhiều giờ dẫn đến thiếu ngủ, mệt mỏi và không kịp xử lý các tình huống xảy ra trên đường hiện nay phổ biến. Do vậy, các doanh nghiệp vận tải cần quan tâm đến sức khỏe, chế độ, chính sách của lái xe.
Nếu không quản lý được đội ngũ lái xe sẽ khó giải quyết được vấn đề gia tăng TNGT. Đây đang thực sự là những vấn đề đáng báo động, cần các cơ quan chức năng phải có biện pháp quyết liệt.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho biết: Quy trình đào tạo lái xe hiện nay tương đối tốt, nhưng khâu quản lý đào tạo lại lỏng lẻo. Với bằng lái xe chuyên nghiệp từ 16 chỗ trở lên phải có phân khúc đào tạo riêng, tập trung về đạo đức, kiến thức, trách nhiệm xã hội với bản thân, doanh nghiệp và hành khách. Các doanh nghiệp vận tải không nên chỉ căn cứ vào chứng chỉ lái xe mà phải thử tay nghề. Bởi lẽ, do tình trạng thiếu lái xe, đã xuất hiện hiện tượng lái xe ở đơn vị này gây tai nạn hoặc có hành vi nào đó bị kỷ luật, bị buộc thôi việc, lại được nhận ngay vào làm ở đơn vị khác...
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng: Theo quy định pháp luật và theo đạo đức thông thường của xã hội, lái xe phải có hợp đồng lao động với mức lương ổn định, được đóng bảo hiểm xã hội, được khám sức khỏe định kỳ... Tuy nhiên, ở những doanh nghiệp “khoán trắng”, lái xe hầu như không được hưởng bất kỳ quyền lợi gì. Tình trạng trên đã biến người lái xe từ chỗ đơn thuần là người làm thuê, vốn chỉ phải chịu trách nhiệm về kỹ năng chuyên môn và ý thức tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông, nay phải chịu cả trách nhiệm tìm kiếm khách, khai thác hàng hóa, trách nhiệm pháp lý với Nhà nước... Những áp lực này dồn họ đến chỗ buộc phải vi phạm quy định pháp luật về thời gian lái xe, phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu, thậm chí phải sử dụng chất kích thích thần kinh để duy trì sự tỉnh táo. |