Thị trường làm đẹp cho chị em phụ nữ vừa gây xôn xao dư luận với phát hiện chất lạ trong áo ngực. Nhưng có lẽ, tình trạng mỹ phẩm giả, mỹ phẩm nhái, kém chất lượng đang tràn lan trên thị trường còn nguy hiểm hơn rất nhiều. Người kinh doanh đang trà trộn sản phẩm, đánh lừa người tiêu dùng để thu lợi.
Mối nguy hại từ hàng hiệu rẻ… như rau
Dãy hàng kinh doanh mỹ phẩm trong chợ Đồng Xuân, Hà Nội bày bán đủ loại nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới và Việt Nam như: Clinique, Lo'real, Maybelline, Shiseido, Chanel, Essence… Các mặt hàng phong phú, từ phấn má, son môi, phấn mắt, kem dưỡng da… cho đến thuốc nhuộm tóc, thuốc làm xoăn, ép tóc… Dù hàng hóa tràn ngập, nhưng tại đây không bán lẻ mỹ phẩm cho người đi mua sử dụng trực tiếp. Khách mua hàng đều là chủ cửa hàng bán lẻ, các chủ hiệu tóc hoặc người cất buôn.
Nếu như giá bán các sản phẩm chính hãng rất đắt, nhiều sản phẩm lên tới hơn 1 triệu đồng thì cùng sản phẩm đó bán tại chợ có giá rẻ tới 50%. Phải phát huy mối quen biết thân tình, chị Hà, chủ một hiệu làm tóc ở huyện Đông Anh, Hà Nội mới tiết lộ, các sản phẩm làm tóc cho khách chị mua tại chợ Đồng Xuân vì có giá mềm hơn giá ở nơi khác.
|
Mỹ phẩm kém chất lượng, sửa chữa hạn sử dụng bị Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ (trưng bày trong Hội chợ khuyến mại tháng 11/2012). |
Trong khi đó, nhiều người lại chọn mua mỹ phẩm tại các đại lý lớn bán nhiều loại mỹ phẩm khác nhau. Thế nhưng, khi mua sản phẩm tại đây người ta vẫn nghi ngờ đó không phải là sản phẩm chính hãng. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng quá lớn nên những đại lý mỹ phẩm vẫn nườm nượp khách mua hàng. Mỹ phẩm giá rẻ còn len lỏi vào các cửa hàng bán quần áo, hàng tiêu dùng khác.
Tại chợ Hôm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cả dãy bán quần áo chật chội luôn để dành một ngăn tủ kính bày bán đầy đủ loại mỹ phẩm. Chúng tôi vừa tới nơi, các chị bán hàng đã đon đả: "Mua quần áo hay mỹ phẩm? Son môi hay phấn má? Chị có cả đấy!". Nhìn vào lô mỹ phẩm của chủ kiốt, tôi thấy phần lớn mỹ phẩm đều mang nhãn nước ngoài, ghi tiếng Nhật, Trung Quốc hoặc tiếng Anh mà không có nhãn phụ tiếng Việt.
Do sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, đã có không ít người trở thành bệnh nhân của các chuyên khoa da liễu. Chị Nguyễn Thị Hoa ở phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã vác bộ mặt sưng vù đến gặp bác sỹ Viện Da liễu Trung ương. Chị cho biết, chị vừa bôi một loại kem trắng da mua ở cửa hàng bán quần áo trên phố Bạch Mai. Sau khi bôi được vài giờ, da mặt xuất hiện vài nốt đỏ rồi lan rộng ra. Đến bệnh viện, chị được biết rằng chị bị dị ứng mỹ phẩm.
Cũng giống chị Hoa, chị Nguyễn Thị Thu ở thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội đi nhuộm tóc. Sau khi hỏi mầu nhuộm, người làm tóc vào phía bên trong pha trộn thuốc rồi mang ra quết lên tóc chị Thu. Chị không hề nhìn thấy nhãn mác của thuốc nhuộm và cũng không thắc mắc gì về nguồn gốc thuốc do thấy không cần thiết. Sau khi nhuộm xong, chị bị đau đầu tới 3 hôm sau.
Người tiêu dùng dễ dãi, cơ quan quản lý chưa hết trách nhiệm
Tháng nào, Viện Da liễu TW cũng có nhiều bệnh nhân bị dị ứng do sử dụng mỹ phẩm giả, mỹ phẩm kém chất lượng vào đây chữa trị. Tại Khoa Khám bệnh, bác sĩ đã lưu giữ khá nhiều vỏ, hộp mỹ phẩm mà người bệnh đem đến. Từ kem bôi trắng da, chữa nám đến son môi cũng có thể gây dị ứng. Các loại kem, mỹ phẩm này đều có nguồn gốc từ nước ngoài, nhưng chỉ là hàng trôi nổi, nhập lậu, không có bất cứ nhãn mác tiếng Việt nào để người tiêu dùng phân biệt. Có người bệnh đến khám phải đeo khẩu trang do mặt mũi sưng vù, đỏ ứng, ngứa. Bác sĩ phải cho phác đồ điều trị 1 tuần kháng sinh kết hợp với thuốc bôi mới khỏi. Đã có nhiều cảnh báo của Viện Da liễu nhưng người tiêu dùng vẫn tiếp tục phải nhập viện vì sử dụng mỹ phẩm giả, kém chất lượng.
TS Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, ông đã từng làm các xét nghiệm về son môi và tìm thấy có chất chì trong son môi. Chì là chất nguy hiểm, trước đây, một loạt trẻ em đã bị ngộ độc chì trong thuốc cam, thậm chí có trẻ còn tử vong. Tuy nhiên, đã lâu rồi Viện Hóa học không làm xét nghiệm lại son môi. Chì có trong son môi là độc hại, nhưng ở mức nào còn phụ thuộc vào định lượng. Một bác sỹ chuyên khoa da liễu cho rằng, khi sử dụng son môi kém chất lượng, một ít son sẽ theo đường miệng vào cơ thể, chất độc tích tụ dần gây hại cho cơ thể. Không thể xác định được độ độc hại của son bằng mắt thường, các bác sỹ khuyên chị em phụ nữ hạn chế sử dụng son môi.
Lâu nay, ngoài việc xét nghiệm mẫu mỹ phẩm theo đề nghị của khách hàng tại các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý chưa thực sự vào cuộc kiểm tra, xử lý trên thị trường. Cũng bởi việc kiểm tra xử lý lỏng lẻo nên mỹ phẩm kém chất lượng còn được đưa vào các hội chợ triển lãm. Gần đây nhất, Hội chợ khuyến mại vàng nhân tháng khuyến mại tháng 11/2012, mỹ phẩm không đáp ứng đủ tiêu chí lưu thông trên thị trường như nhãn phụ, không hạn sử dụng… vẫn được bày bán trong một vài gian hàng. Trong khi, ngay gần đó là gian hàng của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội hướng dẫn người tiêu dùng phân biệt hàng thật, hàng giả.
Ngoài việc kiểm tra hàng hóa của Chi cục QLTT, trách nhiệm quản lý mỹ phẩm còn thuộc ngành Y tế. Mặc dù đã có quy trình đình chỉ lưu hành và thu hồi mỹ phẩm (thẩm quyền thuộc Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) nhưng sự vào cuộc của ngành Y tế chưa thực sự rốt ráo, dẫn đến thị trường mỹ phẩm nhộn nhạo như hiện nay.
Nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn mỹ phẩm: Tên của sản phẩm và chức năng của nó, hướng dẫn sử dụng, thành phần công thức đầy đủ, tên nước sản xuất, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường (ghi đầy đủ bằng tiếng Việt theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư), định lượng, số lô thể tích, ngày sản xuất hoặc hạn dùng phải được thể hiện rõ ràng, lưu ý về an toàn khi sử dụng. (Theo quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BYT quy định về quản lý mỹ phẩm). |
Theo cand.com.vn