Trong một ngày đầu tháng 3, chúng tôi đến thăm nhà báo Nguyễn Văn Ninh (sinh năm 1957), nguyên Trưởng đại diện báo Tin tức tại TP Hồ Chí Minh, được ông trải lòng về thời gian công tác, gắn bó với tờ báo Tuần Tin tức, Tin tức buổi chiều.
Với nhà báo Nguyễn Văn Ninh, thời gian công tác tại báo Tin tức (1985 - 2004) là thời gian ông được sống hết mình với nghề báo. Tờ Tin tức buổi chiều ra đời đã phản ánh nhiều vấn đề thời sự quốc tế và trong nước rất nhanh chóng, kịp thời. Nội dung của tờ báo ngoài việc biểu dương những gương người tốt việc tốt, những điển hình tiên tiến, những nhân tố mới... báo Tin tức đã có nhiều bài gai góc, phê phán đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, gây tiếng vang lớn trong làng báo và trong xã hội.
“Trong thời gian tôi công tác tại báo Tin tức, đội ngũ phóng viên báo Tin tức tại Phòng đại diện phía Nam đã có những bài biết về chống tiêu cực nổi đình nổi đám thời bấy giờ như: vụ án 70 lượng vàng ở Quy Nhơn, vụ án oan sai của Đại tá Phan Văn Tợn ở Quân khu 9, vụ án nước ngọt Hậu Giang liên quan đến việc bắt oan nhiều cán bộ… Nhờ những bài báo chống tiêu cực nên Tuần Tin tức khi đó được coi là ngọn cờ đầu trong việc đấu tranh chống tiêu cực, dám bênh vực người yếu thế, bênh vực lẽ phải… Thời điểm đó, dù đi lại vất vả nhưng tại cơ quan thường có hàng chục người dân đến gửi thư từ kêu oan”, ông Nguyễn Văn Ninh kể.
Số lượng in báo của Tuần Tin tức bắt đầu tăng cao bắt đầu từ năm 1992 khi Liên Xô tan rã. Ông Ninh còn nhớ, lúc đó Tuần Tin tức phải in ngày in đêm mới đủ số lượng phát hành hàng trăm ngàn tờ. Đến ngày 17/6/1991, cơ quan bắt đầu xin phép Bộ Văn hóa Thông tin nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp phép cho ra mắt tờ Tin tức buổi chiều. Lúc này, tờ Tuần Tin tức vẫn tập trung vào các chuyên mục chống tiêu cực và cung cấp những thông tin quốc tế đáng tin cậy đến độc giả cả nước.
Đến cuối năm 1997, tờ Tuần Tin tức và Tin tức buổi chiều sáp nhập thành báo Tin tức, khi đó ông Nguyễn Đăng Thục được bổ nhiệm làm Trưởng đại diện tại phía Nam, ông Nguyễn Văn Ninh là Phó trưởng đại diện. Đến năm 2000, ông Nguyễn Đăng Thục chuyển công tác, ông Trần Chí Hùng về thay thế ông Thục. Được 1 năm thì ông Trần Chí Hùng đi công tác ở Campuchia, ông Nguyễn Văn Ninh làm Trưởng đại diện Báo Tin tức tại TP Hồ Chí Minh từ năm 2001.
Ông Nguyễn Văn Ninh nhớ lại: “Lúc đó các lãnh đạo TTXVN ngoài Hà Nội cho tôi quyền rất lớn, dù là chức vụ Trưởng đại diện nhưng tôi lại có quyền như Tổng biên tập, nghĩa là tôi được quyền thay nội dung của các bài viết ở cả hai đầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nếu thấy nội dung bài viết đó không phù hợp. Khi thay bài, tôi sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với các đơn vị chủ quản”.
Vào ngày 11/9/2001 xảy ra sự kiện khủng bố nước Mỹ, người dân tranh nhau đi mua báo để cập nhật tin tức. Vì vậy, ông Ninh bàn với bên nhà in, lãnh đạo ngoài Hà Nội và quyết định phải tăng số lượng thông tin về sự kiện khủng bố nước Mỹ để đáp ứng nhu cầu của độc giả.
“Do là thông tin in buổi chiều nên tôi đã huy động anh em phóng viên vừa làm nhiệm vụ cập nhật thông tin vừa đứng ra đường rao bán, khi đó chúng tôi để tờ báo là “Tin nhanh nước Mỹ”, nhờ vậy mà in bao nhiêu chúng tôi bán hết bấy nhiêu”, ông Nguyễn Văn Ninh bồi hồi nhớ lại.
Khi đó do nhà in Thông tấn đang in công nghệ in tờ rời mà số lượng báo bán ra tăng cao nên ban biên tập phải huy động 3 - 4 nhà in khác cùng hỗ trợ. Sau khi nhà in Thông tấn lắp ráp xong dây chuyền in cuộn thì báo Tin tức buổi chiều có thời gian in cao điểm nhất là gần 400.000 tờ/ngày. Do thông tin về “Tin tức nước Mỹ” cập nhật liên tục nên tại địa chỉ cơ quan ở 120 Xô Viết Nghệ Tĩnh (nay là Nguyễn Thị Minh Khai), người dân còn phải chen nhau, đập cửa kính vào cơ quan để mua được tờ báo Tin tức buổi chiều.
Bài học mà ông Nguyễn Văn Ninh gửi gắm đến các phóng viên trẻ là phải rèn luyện bản lĩnh trong công việc, tư duy độc lập, biết lắng nghe hai tai, không theo một chiều, từ đó giúp cho phóng viên có nhận xét chính xác nhất.