Cơn mưa lớn chiều 9/5/2016 ở Hậu Giang |
Cơn mưa được ví quý hơn vàng này như giảm được phần nào lo lắng của chính quyền và người dân Hậu Giang đã phải gồng mình chống mặn xâm nhập chưa từng có trong lịch sử trên địa bàn gần nữa tháng qua. Khi mà nước mặn xâm nhập sâu, nồng độ mặn có nơi lên đến gần 20 phần nghìn tại tỉnh này. Thậm chí nước mặn đã xâm nhập tới chợ Nàng Mau, thị trấn Nàng Mau – trung tâm huyện lỵ của huyện Vị Thủy với nồng độ mặn đo được trên 2 phần nghìn.
Nồng độ mặn tại một số địa phương khác như thành phố Vị Thanh, thị xã Long Mỹ, huyện Long Mỹ cũng tăng cao kỷ lục. Nồng độ mặn đo được mới đây trên địa bàn thị xã Long Mỹ cao nhất là 5,1 phần nghìn tại Cầu Trắng; ở thành phố Vị Thanh nồng độ mặn cao nhất là 17,8 phần nghìn tại phà ngã ba Nước Trong, xã Hỏa Tiến; ở huyện Long Mỹ có nồng độ mặn cao nhất là 8,9 phần nghìn tại UBND xã Vĩnh Viễn.
Đến đầu tháng 5/2016, tỉnh Hậu Giang đã phải công bố thiên tai xâm nhập mặn đối với 4 địa phương là thành phố Vị Thanh, huyện Long Mỹ, huyện Vị Thủy và thị xã Long Mỹ do mặn xâm nhập sâu vào nội đồng với nồng độ cao chưa từng có. Tính đến đầu tháng 5/2016, xâm nhập mặn đã làm thiệt hại trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hơn 13 tỷ đồng.
Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nếu mặn xâm nhập vào nội đồng tỉnh tiếp tục đến cuối tháng 5/2016, tỉnh sẽ có thêm gần 3.000 ha lúa Hè Thu bị thiệt hại hoàn toàn, khoảng 6.000ha Hè Thu không xuống giống được và khả năng không sản xuất lúa vụ 3 tại nhiều địa phương. Nếu mặn kéo dài đến tháng 6/2016, nguy cơ nhiều diện tích lúa trên địa bàn tỉnh sẽ mất vụ sản xuất, các làng nghề đan đát lục bình phải nghỉ hoặc hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên liệu, khả năng thiệt hại hơn 150 tỷ đồng.