Theo Phóng viên TTXVN tại các địa phương, tại tỉnh Lai Châu, nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục xuất hiện các điểm sạt lở ta luy dương, đá rơi, gây ách tắc giao thông cục bộ. Cụ thể, tại Km 17+340, tỉnh lộ 129, thuộc địa phận bản Can Tỷ 2, xã Ma Quai, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) đã xảy ra sạt lở đá ta luy dương, gây tắc đường cục bộ trên tuyến từ thành phố Lai Châu đi huyện Sìn Hồ. Tại hiện trường sạt lở ghi nhận nhiều tảng đá lớn có trọng lượng lên đến vài tấn án ngữ trên mặt đường, phía dưới đường là nhà của một số hộ dân sinh sống. Tại Km 84+180, tỉnh lộ 127, thuộc địa phận bản Nậm Thu, xã Kan Hồ, huyện Mường Tè (Lai Châu) cũng xuất hiện sạt lở ta luy dương, với khối lượng hàng chục mét khối đất, đá cùng cây cối, gây ách tắc giao thông giữa huyện Nậm Nhùn và huyện Mường Tè. Rất may khi xảy ra sạt lở, các vị trí không có phương tiện giao thông qua lại nên không gây thiệt hại về người.
Tại huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, mưa lớn đã làm 200 ha lúa mới gieo sạ bị ngập, trôi 100ha giống đang sạ, sạt lở 100m đường giao thông nội đồng, sập 1 cống, sạt lở 100m bờ bao, 32m bờ rào.
Mưa lớn xảy ra chiều 21/5 trên địa bàn quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh đã làm 4 tuyến đường bị ngập sâu khoảng 0,30m khiến nhiều phương tiện giao thông bị chết máy.
Tại các tỉnh Điện Biên, Bình Thuận, Lâm Đồng, Cà Mau mưa lớn đã làm 10 nhà bị hư hỏng, 1.059 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; 36m đường giao thông bị sạt lở với tổng khối lượng khoảng 7.550m3; 1 cầu bị hư hỏng.
Ước tính tổng thiệt hại do mưa lớn gây ra tại các địa phương khoảng trên 2 tỷ đồng.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương huy động lực lượng khắc phục sơ bộ tình hình thiệt hại để ổn định cuộc sống, chỉ đạo tổ chức cắm biển cảnh báo hạn chế người dân đi qua khu vực bị ngập lụt, sạt lở.
Để tiếp tục chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết phức tạp trong thời gian tới, đồng thời tổ chức khắc phục hậu quả thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tổ chức thực hiện theo Công văn số 272/VPTT ngày 20/5 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai; trong đó tập trung theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo; chủ động sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Hồ thủy lợi Dầu Tiếng theo dõi sát tình hình dòng chảy đến hồ, thường xuyên thông tin cảnh báo khi xả nước, tránh tăng đột ngột ảnh hưởng khu vực hạ du.
Các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo dõi sát tình hình dòng chảy thượng nguồn sông Mê Công để chủ động ứng phó và điều chỉnh sản xuất phù hợp.
Các địa phương trên tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.