Tại một số khu vực còn xảy ra triều cường dâng cao làm nhiều nơi chìm trong “biển nước”, đặc biệt là những đoạn đường ven kênh, rạch. Đường phố ngập nặng khiến giao thông khó khăn, cuộc sống người dân bị đảo lộn.
Theo ghi nhận từ ứng dụng cảnh báo ngập nước và triều cường UDI Maps của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, cơn mưa xuất hiện vào khoảng 15 giờ, cùng lúc tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố. Đến 16 giờ, mưa bắt đầu nặng hạt và kéo dài đến hơn 18 giờ mới ngớt khiến hàng loạt tuyến đường trên địa bàn các Quận 7, 8, thành phố Thủ Đức và các huyện vùng ven như huyện Bình Chánh, Nhà Bè… xảy ra tình trạng ngập úng, các phương tiện di chuyển khó khăn trên đường.
Tại khu vực phường Thảo Điền (thành phố Thủ Đức), nhiều tuyến đường như Quốc Hương, Tống Hữu Định, đường số 41… bị ngập nặng. Trên đường Quốc Hương, nước ngập gần nửa bánh xe mô tô khiến nhiều phương tiện chết máy, nhiều người phải dắt xe lội bì bõm qua đoạn ngập nước. Nhiều tiểu thương, chủ cơ sở buôn bán nhỏ hai bên đường phải tạm dừng việc kinh doanh để thu dọn bàn ghế, vật dụng tránh nước ngập.
Trong khi đó, đường số 41 có đoạn nước ngập hết bánh xe, nhiều người chật vật di chuyển. Chị Trần Hồng Lan (ngụ phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức) cho biết, từ nhiều năm qua, những tuyến đường xung quanh khu dân cư Thảo Điền luôn gặp tình trạng cứ mưa là ngập. Hôm nay, trời mưa lớn, nước rút chậm làm đường số 41 trước nhà chị ngập sâu khiến chị đang chở con nhỏ trên đường về nhà phải dựng tạm xe trên vỉa hè, chờ hơn 30 phút cho nước rút bớt rồi mới di chuyển tiếp.
“Mỗi khi thấy trời chuyển mưa tối sầm là gia đình tôi lại lo lắng, không dám ra đường nếu không có việc cần thiết vì khu vực này cứ mưa là ngập, dù là mưa nhỏ. Nếu đúng lúc chúng tôi có chở con nhỏ theo là phải dừng hẳn bên đường chờ tạnh mưa hoặc nước rút thì mới đi tiếp. Tôi mong cơ quan chức năng sớm có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng ngập để người dân yên tâm hơn”, chị Lan chia sẻ.
Cũng trong chiều 1/10, tại một số khu vực xuất hiện triều cường dâng cao đã khiến nhiều tuyến đường ven sông rạch bị ngập nước. Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, mức triều tại trạm đo Nhà Bè trên sông Đồng Điền đạt 1,66m, trạm Phú An trên sông Sài Gòn đạt 1,64m. Mức triều này đều vượt trên báo động 3. Thêm vào đó, mưa xảy ra vào khung giờ triều cường đạt đỉnh khiến ngập càng thêm nặng.
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo, trong 24 giờ tới, dải hội tụ nhiệt đới qua Nam Trung Bộ - Nam Bộ. Gió Tây Nam trên khu vực Nam Bộ có cường độ trung bình. Do đó, thời tiết khu vực Nam Bộ sẽ tiếp tục nhiều mây, có mưa rào nhiều nơi, có nơi mưa vừa, mưa to và dông. Trong năm ngày tới, mực nước ở hầu hết các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai có khả năng xuống nhanh. Mực nước cao trên báo động 3 (1,6m) sẽ duy trì đến hết ngày 3/10. Trong tháng 10 sẽ có 2 đợt triều cao, đợt giữa tháng có khả năng thấp hơn đợt cuối tháng. Mực nước đỉnh triều cao nhất tháng và thấp nhất tháng xuất hiện vào tuần cuối tháng, ở mức xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2022.
Để chủ động ứng phó với thời tiết mưa nhiều và triều cường, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn yêu cầu các sở, ban ngành chức năng, cơ quan đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó đợt triều cường này.
Theo đó, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện sẽ thực hiện thông báo thường xuyên trên các phương tiện truyền thông về diễn biến của mưa và các đợt triều cường cho người dân biết, chủ động ứng phó; khuyến cáo người dân, doanh nghiệp kiểm tra an toàn các thiết bị điện, di dời, kê cao thiết bị, vật tư, hàng hóa, hóa chất, vật dụng…; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực khi xảy ra ngập lụt, nhất là các khu vực trông giữ trẻ tập trung, đưa rước trẻ tới trường để phòng tránh đuối nước.