Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại các địa phương, từ đêm 31/7 đến ngày 1/8, mưa liên tục trút xuống khu vực Bắc bộ, ảnh hưởng tới các tỉnh, thành phố trong khu vực, gây ngập úng cục bộ, đặc biệt là các tỉnh vùng núi phía Bắc nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.Tại Lai Châu, nhiều nơi có mưa vừa, mưa to, gây thiệt hại lớn về người và giao thông. Sáng 1/8, mưa lớn trên địa bàn tỉnh làm sạt lở đất tại huyện Nậm Nhùn, khiến chết 2 người. Nạn nhân là chị Mùa Thị Khua, sinh năm 1996 và con trai là Mùa A Dũng, sinh năm 2014, sống tại bản Huổi Đanh, xã Nậm Hàng bị đất, đá vùi lấp khi đi làm nương. Đến 16 giờ cùng ngày, các lực lượng chức năng huyện Nậm Nhùn đã tìm thấy thi thể các nạn nhân. Mưa lớn đã làm sạt lở tại một số tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, giao thông nông thôn; sạt lở, vùi lấp nhiều kênh mương, công trình thủy lợi.
Ông Vũ Văn Luật, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu cho biết: Đối với những hộ dân sống ở vùng có nguy cơ cao như một số bản khu vực huyện Tam Đường gồm xã Bản Hon, Khun Há, Tả Lèng; những điểm có nguy cơ sạt lở như xã Thu Lũm, Ka Lăng của huyện Mường Tè và các khu vực khác của huyện Nậm Nhùn đã được cảnh báo để người dân chủ động đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
Người dân tại Tuần Giáo, Điện Biên tìm vớt đồ vật bị mưa lũ cuốn trôi. Ảnh: Chu Quốc Hùng |
Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, mưa to đến rất to, lượng mưa đo được tại các địa phương trong tỉnh từ 175 - 195mm, gây lũ quét, sạt lở đất tại một số địa phương. Theo thống kê ban đầu của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên, thiệt hại ước tính ban đầu của riêng huyện Tuần Giáo lên tới trên 110 tỷ đồng. Trận mưa lũ đã làm 4 người tại xã Quài Cang, Quài Tở, Pú Si của huyện Tuần Giáo bị thương; 2 ngôi nhà dân bị đổ và cuốn trôi hoàn toàn; hơn 200 ngôi nhà cùa các hộ dân khác bị ngập, bị sạt lở đất và phải di dời.
Nhiều gia đình tại các xã và thị trấn Tuần Giáo đã bị nước lũ cuốn trôi nhiều tài sản. Trên các tuyến quốc lộ 6, quốc lộ 279, nhiều đoạn đường đã bị đất đá sạt lở gây ách tắc giao thông cục bộ Sáng 1/8, tỉnh Điện Biên đã lập đoàn công tác xuống địa bàn 2 huyện Tuần Giáo và Mường Ảng, chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Đồng thời, huy động lực lượng cứu hộ tổ chức đưa người dân và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm. Tại Yên Bái, do mưa liên tục làm mực nước sông Hồng và các sông suối trên địa bàn lên nhanh. Ở huyện Mù Cang Chải đã xuất hiện hiện tượng sạt lở ta luy dương ở khu vực 6 gia đình thuộc 3 xã Mồ Dề, Púng Luông và Khao Mang, gây hư hỏng nhà của 2 hộ dân thuộc xã Mồ Dề.
Ngay sau khi nhận được tin báo của địa phương, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn huyện Mù Cang Chải đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, thông báo cho các hộ ở chân ta luy có nguy cơ sạt lở cao khẩn trương di dời đến nơi an toàn và cảnh giới khoanh vùng khu vực, lập biển báo cấm người đi vào khu vực sạt lở.
Tại Bắc Kạn, mưa to ở hầu hết các huyện, làm sạt lở đất ở nhiều nơi, trong đó có nhiều nhà dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở phải di dời ngay. Đến chiều tối 1/8, riêng huyện Pác Nặm phải di dời 71 hộ dân khỏi vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét, trong đó có 4 nhà bị sạt lở ta-luy dương, đất đá đổ vào nhà. Huyện Ba Bể cũng có 9 nhà bị sạt lở ta-luy dương, phải di dời khẩn cấp. Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị đất đá sạt lở, Sở Giao thông Vận tải Bắc Kạn huy động máy móc, phương tiện để thông xe. Tại các tuyến giao thông nông thôn, chính quyền địa phương đã huy động nhân dân thông tuyến phục vụ đi lại. Mưa lũ đã gâp ngập úng diện tích hoa màu, gây thiệt hại 81 công trình thủy lợi, kênh mương.
Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang liên tiếp có mưa trên diện rộng, một số nơi xuất hiện mưa to và rất to như huyện Hàm Yên, Yên Sơn. Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang, toàn tỉnh có 15 công trình thủy lợi bị sạt lở, hư hại, trong đó, có một số công trình bị hư hỏng nặng như: công trình thủy lợi thôn Bản Thác, xã Yên Hoa, huyện Na Hang; công trình thủy lợi thôn Dằm, xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên; công trình thủy lợi Ninh Kiệm, xã Minh Hương, huyện Hàm Yên. Ban quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Tuyên Quang đã cử cán bộ địa bàn túc trực, phối hợp với UBND các xã, Ban quản lý khai thác thủy lợi cơ sở tiến hành kiểm tra, chỉ đạo, khẩn trương khắc phục.
Tại Bắc Giang, mưa lớn kéo dài khiến hàng chục ngôi nhà và hơn 20 héc-ta lúa, hoa màu trên địa bàn tỉnh bị chìm ngập trong nước. Cụ thể, tại xã Đồng Tiến (huyện Yên Thế), 45 ngôi nhà bị chìm trong nước, hơn 10 héc-ta lúa, hoa và thủy sản bị mất trắng. Tại huyện Sơn Động, mưa lớn đã vùi lấp 9 héc-ta lúa mới cấy ở xã Vân Sơn và khoảng 2 héc-ta bị nước cuốn trôi, trong khi đó khoảng 10 héc-ta lúa ở xã Mai Đình (huyện Hiệp Hòa) bị chìm ngập trong nước. Một số đoạn đê ở các huyện Tân Yên, Việt Yên và thành phố Bắc Giang xảy ra hiện tượng lún, sạt lở. Các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang chỉ đạo gia cố, đồng thời bố trí lực lượng túc trực 24/24h.
Mưa lớn cũng gây ra tình trạng ngập úng tại thành phố Nam Định. Ảnh: Văn Đạt - TTXVN |
Mưa lớn kéo dài từ đêm 31/7 đến ngày 1/8 khiến nhiều tuyến đường tại thành phố Nam Định (Nam Định) ngập sâu trong nước, gây khó khăn, nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của nhân dân. Tại các tuyến phố như: Phan Đình Phùng, Hàn Thuyên, Mạc Thị Bưởi, Lý Thường Kiệt, Quang Trung... nước ngập từ 40 - 60 cm khiến nhiều phương tiện giao thông chết máy.
Tại Thái Bình, mưa lớn khiến nhiều tuyến phố trên địa bàn thành phố Thái Bình bị ngập nặng. Tình trạng ngập, ùn ứ nước trên các tuyến phố khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân bị đảo lộn. Các tuyến phố xảy ra tình trạng ngập lụt nặng là các phố: Lê Quý Đôn, Lý Bôn, Phạm Đôn Lễ, Ngô Quang Bích… Đặc biệt, tại tuyến phố Lê Quý Đôn, nơi được cho là “rốn ngập” của thành phố Thái Bình, đỉnh điểm có lúc mức nước lên đến 50 cm. Tại Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, nhiều tuyến đường tại đây cũng xảy ra tình trạng ngập nước, ùn ứ, gây rất nhiều khó khăn đối với hàng ngàn công nhân của các công ty thuộc khu công nghiệp.